Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2013.
Theo đó, mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao hơn so với cùng kỳ nhưng Trường Hải ô tô vẫn báo lãi với con số ấn tượng 267,2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 267 tỷ đồng, tăng gần 400% so với quý 2/2012 và kết quả này còn cao hơn cả mức lãi ròng 241,6 tỷ đồng của cả năm 2012.
Dù đã nhường ghế tổng giám đốc song điều lệ doanh nghiệp đã được sửa đổi để ông Trần Bá Dương tiếp tục là người đại diện theo pháp luật của Trường Hải Ô tô. |
Website của công ty cũng vừa công bố nội dung nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013.
Theo đó, đại hội đã thông qua việc niêm yết toàn bộ cổ phiếu của công ty trên Sở giao dịch chứng khoán Tp Hồ Chí Minh, ủy quyền cho hội đồng quản trị lựa chọn thời điểm niêm yết phù hợp.
Cũng theo nghị quyết này, đại hội đã thông qua việc chủ tịch hội đồng quản trị từ nay sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty, thay cho tổng giám đốc như trước đây. Như vậy, dù đã rút khỏi vị trí điều hành hồi tháng tư và bổ nhiệm ông Nguyễn Hùng Minh làm tổng giám đốc, nhưng chỉ sau vài tháng thì ông Trần Bá Dương đã trở lại là người đại diện theo pháp luật cho cơ ngơi vốn gắn liền với tên tuổi của ông.
Đáng chú ý, thù lao và chi phí hoạt động của hội động quản trị và ban kiểm soát của Trường Hải trong năm 2013 ở mức rất cao: Chủ tịch hội đồng quản trị hưởng 50 triệu đồng/tháng; trưởng ban kiểm sát và các phó chủ tịch hội đồng quản trị hưởng 40 triệu đồng/tháng; các vị trí còn lại mức hưởng từ 25 triệu - 30 triệu đồng/tháng.
Nghị quyết đại hội đồng cổ đông 2013 của Trường Hải ô tô ký ngày 21/6, nhưng đến ngày 1/8 vừa qua thì mới công bố thông tin. Trong khoảng thời gian này, không thể không kể đến tin mừng: công ty được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho gia hạn 1.200 tỷ đồng tiền thuế.
Như thông tin đã cập nhật, trước tình hình được mô tả là khó khăn đặc biệt, Công ty cổ phân ô tô Trường Hải đã xin Chính phủ cho phép 4 công ty thành viên do Trường Hải là chủ đầu tư được gia hạn nộp thuế nhập khẩu trong 1 (một) năm, số tiền khoảng 1.214 tỷ đồng (một nghìn hai trăm mười bốn tỷ đồng), kể từ ngày 1/7 năm nay đến ngày 30/6/2014. Bốn công ty này gồm: Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô tải Chu Lai – Trường Hải; Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô khách Trường Hải; Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô du lịch Trường Hải – Kia; Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ô tô Vina-Mazda.
Khi đó, theo trình bày của doanh nghiệp, hiện còn tồn lượng hàng lên đến hơn 3.300 tỷ đồng và đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.600 tỷ đồng. Tình hình sản xuất được nói là đang cầm chừng, và nếu không đầu tư phát triển thì “sẽ có nguy cơ tạm ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm”...
Đề xuất của Trường Hải được sự đồng thuận của UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài chính, trước khi được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chấp thuận. Ngay sau khi Trường Hải được gia hạn 1200 tỷ thì hàng loạt công ty ô tô khác cũng làm đơn gửi lên Thủ tướng với cùng nguyện vọng. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin các doanh nghiệp này có được gia hạn hay không.
Tùng Sơn