Ngày 1/2, tờ 163 đưa tin về việc một trường học ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) đưa ra thông báo cấm học sinh mặc đồ hiệu khi đến trường.
Theo đó, thông báo của trường THCS Thực Nghiệm Nam Sơn (tại Miến Dương, Tứ Xuyên) gửi đến các giáo viên chủ nhiệm có nội dung như sau: “Gửi các thầy cô, nhà trường xin thông báo bắt đầu từ kỳ này, học sinh sẽ không được mặc đồ hiệu, đi giày cao cấp hoặc đeo trang sức có giá trị đến trường”.
Đại diện nhà trường cho biết thêm, giày học sinh đi đến trường không được vượt quá giá trị các loại giày của Anta, một thương hiệu giày bình dân của Trung Quốc. Một đôi giày Anta có giá dao động từ 115 – 500 NDT (400.000 - 1,7 triệu đồng). Theo đó các học sinh của trường Thực Nghiệm Nam Sơn không được đi giày giá trên 1,7 triệu đồng.
Thậm chí, nhà trường còn gợi ý thêm, học sinh nên chuẩn bị những đôi giày vải hoặc giày thể thao đơn giản.
Thông tin về quy định của nhà trường sau khi được đăng tải đã gây ra cuộc tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội. Một số người bày tỏ sự đồng tình với nhà trường. Họ cho rằng: “Nhà trường đang mong muốn giảm thiểu sự phân biệt giàu nghèo, so sánh giữa các học sinh với nhau”. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, việc làm này của nhà trường có phần khắt khe.
Trước đó, năm 2018, Trường trung học Woodchurch ở hạt Merseyside (Anh) cũng đã ban lệnh cấm học sinh mặc áo khoác thiết kế đắt tiền nhằm chống lại nạn phân biệt giàu nghèo.
Hiệu trưởng Rebekah Phillips cho biết nhà trường đưa ra quy định mới dựa trên yêu cầu của phụ huynh. "Chúng tôi rất lo lắng về việc bọn trẻ gây quá nhiều áp lực lên bố mẹ về việc mua áo khoác đắt tiền", bà nói.
Nhiều học sinh ở trường đang mặc những chiếc áo khoác có giá tới 700 bảng Anh. Trong khi đó, phụ huynh một số em không đủ khả năng chi số tiền lớn như vậy, khiến các em cảm thấy bị kỳ thị, lạc lõng giữa tập thể.
Quy định này cũng gây ra phản ứng trái ngược trên mạng xã hội. Bên cạnh nhóm ủng hộ, một số người cho rằng việc này không cần thiết. Họ cho rằng không phải đứa trẻ nào mặc áo đắt tiền cũng nhạo báng người có ít điều kiện kinh tế hơn mình. Nếu tình huống đó xảy ra, nhà trường nên giải quyết với những người liên quan, không nên đánh đồng tất cả.
Minh Hoa (t/h)