Mới đây, hôm 27/3/2019, từ tố cáo của một đứa trẻ bị một nhân viên chăm sóc chạm vào cơ thể theo cách không phù hợp, cảnh sát quận Fairfax (bang Virginia) đã điều tra và công bố rằng Rolly Hammond, 38 tuổi - nhân viên làm việc trong chương trình Chăm sóc trẻ em ở tuổi học đường tại Trường tiểu học West Springfield (Virginia), bị buộc tội với ba tội lạm dụng tình dục nghiêm trọng, sau khi cảnh sát xác định ông ta đụng chạm và lạm dụng tình dục một số trẻ em trong nhiều năm. Ông ta đã bị giam giữ mà không được quyền nộp tiền bảo lãnh.
Luật pháp của Mỹ rất nghiêm khắc trong việc xử lý tội phạm ấu dâm nói riêng hay xâm hại, quấy rối tình dục nói chung. Trẻ em luôn là ưu tiên cao nhất của xã hội Mỹ, được bảo vệ mọi lúc mọi nơi, đặc biệt trong trường học nơi mà các em dành phần lớn thời gian của mình ở đó.
Khi một nhân viên hay giáo viên nào bị trẻ tố cáo xâm hại, quấy rồi tình dục, cảnh sát sẽ tạm giữ để điều tra, trường học sẽ đình chỉ công việc của người đó. Nghiêm khắc hơn nữa là kể cả người đó bị tố cáo ngoài nơi làm việc, đối tượng bị hại không phải là học sinh, thì vẫn bị đình chỉ công việc, nhà trường phải công khai các thông tin liên quan đến vụ việc để tránh sự hoang mang bức xúc của cha mẹ. Cảnh sát có nghĩa vụ phải họp báo đưa tin về việc tạm bắt giữ đối tượng bị tố cáo, thậm chí ảnh chụp cùng các thông tin cụ thể về công việc của đối tượng sẽ được đưa lên các bảng tin thời sự tại địa phương, thư nội bộ của trường, khuyến khích mọi người dân thu thập bằng chứng hỗ trợ cho quá trình điều tra, bằng chứng nào có giá trị sẽ được thưởng.
Tôi hiện làm việc trong một chương trình chăm sóc giáo dục trẻ em tại quận Fairfax, thuộc tiểu bang Virginia, nên hiểu rất rõ các quy định an toàn khi làm việc trực tiếp với trẻ.
Để được tuyển vào làm giáo viên trong trường học hay các công việc có tiếp xúc với trẻ em, kể cả chỉ là làm tình nguyện trong thời gian ngắn hay trông trẻ cho các gia đình thì người làm việc phải được kiểm tra lý lịch kỹ càng trên phạm vi toàn quốc và phạm vi tiểu bang, phải lấy dấu vân tay theo định kỳ để FBI điều tra..., đảm bảo không có tiền án tiền sự gì ảnh hưởng đến tính chất công việc. Trường học hay các cơ sở trông trẻ đều có quy định rất chặt chẽ và đào tạo cho giáo viên hay người trông trẻ các kỹ năng làm việc nhằm bảo vệ trẻ và bảo vệ chính họ, bởi luật pháp rất khắt khe, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Như tại nơi tôi làm việc, quy định quan trọng nhất mà chúng tôi phải luôn nhớ là tránh tiếp xúc cơ thể với trẻ, nhất là các vùng nhạy cảm. Thầy cô giáo có thể ôm, bắt tay khi chào hỏi, nhưng không được hôn hít âu yếm trẻ như con của mình, không được sờ, chạm cơ thể trẻ một cách không bình thường, không được cho trẻ ngồi lên đùi trừ khi trẻ nhỏ phải bế, hay trẻ có khuyết tật phải nâng đỡ.
Ở các cơ sở trông trẻ, thì tùy nơi mà có quy định trẻ phải tự lau chùi khi đi vệ sinh, thường thì từ 4 tuổi trở lên trẻ cần phải biết tự vệ sinh. Vì thế có một vài lần, dù với bản năng làm mẹ, tôi rất muốn giúp các cháu nhỏ còn vụng về, nhưng đành để các cháu tự giải quyết, về nhà với chiếc quần bị bẩn là chuyện bình thường. Bố mẹ các cháu đấy cũng tỏ ý muốn cô giáo giúp, nhưng đã có quy định ghi rõ ràng nên cứ thế mà làm theo. Có những lớp chăm sóc trẻ khuyết tật, tự kỷ, các bé lớn phải mặc tã thì cần hai người lớn có mặt khi thay tã cho trẻ, đề phòng có chuyện không hay xảy ra, đồng thời để bảo vệ chính giáo viên, người chăm sóc trẻ, tránh những trường hợp trẻ tố cáo sai, nhầm lẫn và không có bằng chứng.
Làm việc với trẻ em ở Mỹ là một công việc khá căng thẳng vì hệ thống luật pháp nghiêm minh, không có ngoại lệ, đòi hỏi giáo viên cần cẩn trọng tuyệt đối, vừa bảo vệ trẻ và bảo vệ chính mình, tránh các sự hiểu nhầm đáng tiếc. Dù căng thẳng nhưng với hệ thống luật pháp kín kẽ, quy định rõ ràng, người làm nghề sẽ biết cách để tránh các lỗi mắc phải, biết đâu là giới hạn cho phép trong giao tiếp với trẻ.
Nhìn lại các vụ việc quấy rối, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em tại Việt nam vừa qua, tôi nhận thấy Việt nam chưa có một bộ luật đầy đủ về vấn nạn này. Điều này rất nguy hiểm, tạo điều kiện cho những kẻ bệnh hoạn ngang nhiên xâm hại, quấy rối trẻ em là đối tượng yếu đuối chưa biết tự bảo vệ mình. Dân chúng bức xúc, nạn nhân đau đớn xấu hổ, che giấu vì sợ ảnh hưởng đến tương lai, kẻ xấu thì ung dung bào chữa cho hành động của mình. Cuối cùng, trẻ em bị xâm hại phải chịu những hậu quả lâu dài, tổn thương tâm lý không gì có thể bù đắp được.
Chúng ta chỉ có thể yên tâm khi con em mình được pháp luật bảo vệ một cách thực tế và hiệu quả, do vậy việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm ở các nước phát triển trong lĩnh vực này là điều cần thiết.
Quỳnh Anh (Virginia, Hoa Kỳ)