‘Trường hợp ông Võ Kim Cự, Quốc hội nên xem xét kịp thời’

‘Trường hợp ông Võ Kim Cự, Quốc hội nên xem xét kịp thời’

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 7, 22/04/2017 08:33

“Ban Bí thư đã thống nhất 100% thi hành kỷ luật cách chức ông Võ Kim Cự với các chức vụ ở Hà Tĩnh, tôi nghĩ Quốc hội nên sớm xem xét cho kịp thời”, bà Bùi Thị An nói.

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam là một trong những cá nhân bị xem xét kỷ luật theo kết luận Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Xã hội - ‘Trường hợp ông Võ Kim Cự, Quốc hội nên xem xét kịp thời’

 Ông Võ Kim Cự hiện làm Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội. 

Mới đây, tại Quyết định kỷ luật của Ban Bí thư, ông Võ Kim Cự cùng ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường nằm trong danh sách những cá nhân chịu hình thức kỷ luật.

Theo đó, ông Võ Kim Cự có nhiều sai phạm “nghiêm trọng”, Ban Bí thư nhất trí 100%  kỷ luật cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự (bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh theo quy định).

Hiện tại, ông Võ Kim Cự đang làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Bùi Thị An, nguyên Ủy viên ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đưa ý kiến xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa bà, với trường hợp của ông Võ Kim Cự, đã có một số ý kiến thẳng thắn cho rằng, một đại biểu có những “sai phạm nghiêm trọng” – dù sai phạm đó không xảy ra ở thời điểm ông Võ Kim Cự trúng cử làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV thì tại kỳ họp tới đây, Quốc hội cũng nên xem xét tư cách với vị đại biểu này. Ý kiến của cá nhân bà thế nào?

Bà Bùi Thị An: Trường hợp ĐBQH Võ Kim Cự, tôi nghĩ nên xem xét cho kịp thời. Đồng ý rằng việc xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm trong vụ Formosa cần làm thận trọng để không ai bị xử lý oan là đúng. Nhưng đến nay, đã có kết luận của Ban Bí thư, tôi nghĩ Quốc hội cần làm sớm.

Bởi, một ĐBQH còn là đại diện cho nhân dân. Giờ ông Võ Kim Cự đã bị kỷ luật cách chức, cần xem xét tư cách để nhân dân càng thêm tin tưởng, ủng hộ, vì đây cũng là việc mà người dân chờ đợi đã lâu. Cái gì cũng cần đúng thời điểm, quá thời điểm là không tốt.

PV: Ban Bí thư nhất trí 100% thi hành kỷ luật cách chức ông Võ Kim Cự ngay sau khi có kết luận từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thể hiện sự kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu?

Bà Bùi Thị An: Thời gian qua, nhiều phát biểu cũng như việc xử lý cán bộ sai phạm trong các cơ quan hành chính Nhà nước đã luôn đề cao việc xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu. Tôi nghĩ việc này hoàn toàn đúng với quy luật công tác tổ chức cán bộ.

Cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu, những người chịu trách nhiệm về nhưng quyết định của mình trước cấp trên, kể cả trước Chính phủ, trước Đảng, trước Nhân dân về việc mình làm, về lĩnh vực mình phụ trách.

Người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, không thể đổi lỗi do tham mưu. Nếu tham mưa đưa ý kiến sai, người đứng đầu phải điều chỉnh lại, phế bỏ ý kiến tham mưu. Không thể có câu chuyện đổ lỗi cho tham mưu, như thế là thoái thác trách nhiệm.

Tôi muốn nhấn mạnh, người đứng đầu phải thấy rõ trách nhiệm trước tất cả những nhiệm vụ được giao ở lĩnh vực mình quản lý. Người chịu trách nhiệm cao nhất không thể đổ lỗi cho ai được. Nếu “quân” kém là do người đứng đầu kém trong khâu phê duyệt tuyển dụng, quản lý không chặt chẽ.

Việc quy trách nhiệm người đứng đầu sẽ rất có lợi, để mỗi cán bộ nâng cao trách nhiệm của mình. Người đứng đầu phải thấy rõ cần cẩn trọng trong mọi quyết định. Chỉ cần sơ xuất một chút, không có tầm nhìn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Còn khi đã để xảy ra sai sót gây hậu quả, chịu trách nhiệm là “xứng đáng”, đừng tìm cách đổ lỗi.

Tôi thấy trong một số vụ việc, người đứng đầu còn đổ trách nhiệm cho tập thể để trách nhiệm của mình mờ nhạt và dễ chối bỏ. Như thế lại càng không được. Bây giờ đã có thể chế rõ ràng, trao quyền cho người đứng đầu đi liền với trách nhiệm.

Khi cá nhân đứng đầu còn đổ lỗi cho tập thể, tham mưu, cấp dưới…, tôi thấy, nó thể hiện người đứng đầu yếu kém về trình độ, không có bản lĩnh. Thấy sai phải phản bác, phê bình cấp dưới ngay, tại sao để sai phạm nghiêm trọng vẫn “bút phê”.

Nếu không có trình độ, tôi nghĩ cũng không nên nhận trọng trách người đứng đầu.

PV: Dễ dàng nhận thấy, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng. Nhưng có hiện tượng người đứng đầu không dám nhận trách nhiệm, hoặc tìm cách đổ lỗi trách nhiệm trên thực tế là do khâu đề bạt, bổ nhiệm có vấn đề?

Bà Bùi Thị An: Đúng vậy. Trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng. Trong quá trình lựa chọn, tìm được người đứng đầu có tầm, có tâm là điều hết sức khó khăn. Nhưng dẫu khó khăn như thế nào chắc chắn vẫn sẽ làm được, tìm được bởi đất nước Việt Nam hiện nay không thiếu người tài.

Ông Võ Kim Cự chỉ là một trong số các trường hợp người đứng đầu bị xem xét xử lý nghiêm. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng để không còn trường hợp người đứng đầu thoái thác trách nhiệm như việc ông Võ Kim Cự từng nói “không có gì sai” khi vụ Formosa mới xảy ra, tôi đề nghị làm quy trình tuyển dụng cán bộ đã chặt chẽ, việc đề bạt, bổ nhiệm, nhất là người đứng đầu càng cần chặt chẽ hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Dương Thu (thực hiện)

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.