Hàng tỷ USD được chuyển bằng cách nào?
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Trong giai đoạn 2 của vụ án, Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị kết luận chuyển hơn 1,5 tỷ USD từ Việt Nam ra nước ngoài, hơn 3 tỷ USD từ nước ngoài về Việt Nam trái pháp luật.
Bởi, nguồn gốc của số tiền 415.000 tỷ đồng được xác định từ phạm tội “Tham ô tài sản” từ Ngân hàng SCB và hơn 30 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ phát hành trái phiếu của Công ty An Đông.
Số tiền trên được bà Lan chỉ đạo rút tiền mặt, chuyển nộp vào tài khoản đứng tên tổ chức/cá nhân, chuyển giữa các tài khoản, sử dụng thanh toán các khoản chỉ cho các mục đích khác nhau.
Trong đó chi trả cho việc như: Trả gốc, lãi trái phiếu; Chi trả nợ các khoản vay tại Ngân hàng SCB; Chi phí lãi vay, chi phí hoạt động của Ngân hàng SCB; Chi trả cho những người được thuê đứng tên làm giám đốc, cho những người ký chứng từ chạy dòng tiền... Đặc biệt, có những khoản chuyển tiền ra nước ngoài.
Để chuyển trên 1,5 tỷ USD tương đương (35.000 tỷ đồng) ra nước ngoài và nhận hơn 3 tỷ USD tương đương 71.000 đồng từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, bà Lan đã giao cho Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty Acumen) phối hợp cùng với Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) cùng Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) và một số lãnh đạo SCB thực hiện.
Những đối tượng trên đã lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn; vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty tổ chức ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.
“Hành vi nêu trên của Trương Mỹ Lan đã phạm vào tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự. Xét thấy, xuyên suốt vụ án từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan đã có sự chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt. Vì vậy, đề nghị xem xét khi lượng hình”, kết luận điều tra nêu rõ.
2 người nước ngoài giúp chuyển hàng chục nghìn tỷ cho bà Lan
Trong vụ án, bị can Chen Yi Chung (quốc tịch Hồng Kông - Trung Quốc), quyền Tổng Giám đốc SCB bị đề nghị truy tố hành vi Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Là người có vai trò lớn giúp bà Lan chuyển tiền.
Theo đó, từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021, Chung đã 13 lần chuyển tiền ra nước ngoài, nhận tiền chuyển về Việt Nam cho các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát thông qua các hợp đồng khống như hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, hợp đồng vay tiền, hợp đồng tư vấn giữa các công ty ở Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Theo đó, trong 13 giao dịch này thì có 12 giao dịch chuyển tiền đi 673 triệu USD và chuyển về 35 triệu USD. Tổng sổ tiền tương đương hơn 16.000 tỷ đồng.
Tại cơ quan công an, Trương Mỹ Lan khai nhận đã chỉ đạo bị can Chung phối hợp những người trong Vạn Thịnh Phát và SCB để lập các hợp đồng khống, phê duyệt chuyển tiền không đúng điều kiện. Từ đó, công an xác định bị can Chung là người giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan trong việc chuyển tiền đi nước ngoài, và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam.
Tuy nhiên, Chen Yi Chung đã xuất cảnh ra nước ngoài, không xác định Chung đang ở đâu. Hiện Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với nhân vật này.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng ra quyết định truy nã với Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Vương quốc Anh và Bắc Ireland, người được Trương Mỹ Lan giao quản lý các công ty ở nước ngoài).
Đối tượng này được xác định có hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan quản lý 11 công ty ở trong và ngoài nước. Từ tháng 4/2014 đến tháng 10/2022 có 11 công ty chuyển 556 triệu USD đi nước ngoài và nhận 940 triệu USD về Việt Nam, tương đương 34.000 tỷ đồng.