Trường gần 40 tỷ phục vụ 44 học sinh
Ngày 14/4/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định phê duyệt dự án Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Hương Khê, với tổng mức đầu tư là 39,2 tỷ đồng. Cuối năm 2011, công trình được khởi công tại xã Hương Bình, với tổng diện tích hơn 35.000m2, do UBND huyện làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế được phê duyệt, Trung tâm gồm nhiều hạng mục khang trang như: Nhà hiệu bộ, nhà học lý thuyết, nhà xưởng thực hành, khu ký túc xá 3 tầng... Sau khi hoàn thành, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Hương Khê sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho khoảng 600 học sinh. Tuy nhiên, sau 3 năm đưa vào sử dụng, ngôi trường dạy nghề được đầu tư gần 40 tỷ này luôn vắng bóng học sinh và hàng năm số lượng tuyển sinh liên tục giảm.
Từ ngoài nhìn vào dễ nhận thấy đây là ngôi trường bề thế, khang trang tọa lạc tại một bãi đất rộng. Nó khác biệt hoàn toàn với những ngôi nhà gỗ tạm bợ của người dân địa phương xung quanh.
Ông Nguyễn Văn H., một người dân địa phương đang làm trang trại gần trung tâm cho biết: “Từ khi trường được đầu tư xây trường mới khang trang, bề thế nhưng hầu như không thấy học sinh mà chỉ gặp toàn thầy cô giáo”.
Giáo viên tận dụng để… nuôi bò?
Thời điểm PV có mặt tại trung tâm, tuy đã vào giờ học nhưng không khí khá yên ắng và tĩnh lặng, không giống với một cơ sở dạy nghề đang có hàng trăm em học sinh theo học. Tại đây có 6 – 7 dãy nhà cấp 4 với gần 100 phòng học, nhưng phần lớn đều cửa khóa im ỉm, gỉ sét. Lúc này, ngoài 3 lớp học ở dãy nhà phía đối diện cổng trường và khu nhà hiệu bộ, các khu nhà còn lại đều “không một bóng người”.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Sau khi đưa vào sử dụng năm 2014, việc tuyển sinh gặp khó khăn và số lượng học sinh liên tục giảm và hiện tại còn 44 em học sinh theo học. Do cách xa trung tâm nên đến giữa năm 2017, sau nhiều nỗ lực của nhà trường, học sinh và thầy cô giáo mới có mạng để phục vụ cho việc dạy và học. Mới đây, chúng tôi đã liên kết với trường THPT Hàm Nghi để đạo tạo nghề cho gần 300 học sinh trường này”.
Trường vắng bóng học sinh được ông Dương lý giải, là do nhu cầu học nghề kết hợp với học văn hóa của con em địa phương ngày càng giảm mạnh. Ngoài ra, do trường nằm ở xa trung tâm huyện Hương Khê, nhưng lại gần trường THPT Hàm Nghi nên không tuyển được học sinh.
Theo nhiều người dân địa phương, việc đầu tư gần 40 tỷ đồng xây trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Hương Khê tại xã Hương Bình là quá lãng phí. Nguyên nhân trước hết là do công tác khảo sát, lập quy hoạch và phê duyệt không sát với thực tế. Ngoài ra, vị trí đặt trung tâm cũng “trái đường” nằm tại vùng xa xôi hẻo lánh, xa trung tâm huyện nên khó thu hút được học sinh.
Khi tiến lại gần khu thực hành phía sau các phòng học không khác gì một ngôi nhà hoang khi bị nước bao quanh, rêu mọc xanh rì và bốc mùi xú uế của phân động vật. Nhìn qua lớp cửa kính, phía trong ngôi nhà này có nhiều loại máy móc đắt tiền như: Máy hàn, máy cắt, máy nổ, máy khâu, máy vi tính để phục vụ cho việc dạy và học. Tuy nhiên, do lâu ngày không sử dụng đến nên phần lớn đã có dấu hiệu han gỉ và xuống cấp.
Cách đó không xa trong khuôn viên của trường, cạnh bờ ao cỏ mọc um tùm, một cái chuồng bò được dựng lên để nuôi nhốt khoảng 3 - 4 con bò. Trước đó, trả lời báo chí, ông Đoàn Văn Dương cho hay: “Có một giáo viên tận dụng, tranh thủ để nuôi, chứ nói chăn thả gia súc thì không đúng”.
Ông Hoàng Công Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, từ khi đưa vào sử dụng trung tâm khó khăn trong công tác tuyển sinh và chưa khai thác hết công năng theo thiết kế. Nguyên nhân là do nhu cầu học nghề trong những năm gần đây của địa phương đang giảm mạnh và đó là thực trạng chung của nhiều địa phương.