Đông thí sinh quá cũng khổ
Thường thì sau kỳ thi tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ mới có thể công bố chính xác con số lỗ lãi. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm nay, nhiều hội đồng tuyển sinh đã tiên liệu trước được “vận mệnh” kinh tế của trường mình. Bởi đơn giản, tình hình lạm phát, vật giá leo thang thì chắc chắn chi phí cho tuyển sinh sẽ cao hơn. Đây là thực tế không mới nhưng dường như vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để giảm bớt gánh nặng cho các trường. Sau mỗi kỳ thi, hàng nghìn sĩ tử được bước vào giảng đường ĐH nhưng đằng sau đó là cả một “bãi chiến trường” và các trường phải “nai lưng” để trả nợ.
Kỳ thi năm nay nhiều trường lại lo hồ sơ ảo (Ảnh minh họa)
Trao đổi với Người đưa tin, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại cho biết, năm nay trường này có 31.000 thí sinh đăng ký dự thi. “Nhiều người cứ nghĩ rằng, trường nào nhiều thí sinh đăng ký sẽ được lãi lớn, trường nào ít thí sinh sẽ lỗ nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Càng những trường lượng thí sinh dự thi đông, nguy cơ lỗ càng cao. Bởi đơn giản, các trường này đều phải gánh lỗ cho thí sinh. Lệ phí thi do Nhà nước quy định không thể đủ bù đắp chi phí cho các trường” – ông Sơn nói.
Cũng theo GS Đinh Văn Sơn, ngay bản thân trường ĐH Thương mại, chi phí tuyển sinh năm nay chắc chắn sẽ tăng hơn năm 2011. Từ chi phí thuê địa điểm thi cho đến thù lao cho cán bộ tham gia công tác coi thi đều tăng. Đó là chưa kể, trường tổ chức thi tại các địa phương như xa Hà Nội như TP.Hải Phòng, TP.Vinh (Nghệ An)…, trường sẽ phải trả thêm chi phí đi lại, ăn uống, sinh hoạt… cho cán bộ coi thi. Đến sinh viên tham gia coi thi, trường cũng phải trả thù lao.
“Thường thì sau mỗi kỳ thi tuyển sinh các trường mới có thể cân đong đo đếm được lỗ lãi. Dựa trên tổng chi phí bỏ ra trong tương quan so với lệ phí thu được trường mới có thể quyết toán. Tuy nhiên, theo tính toán của tôi, giá cả tăng, tiền in ấn, phô tô cũng tăng nên chắc chắn chi phí cho một thí sinh sẽ tăng hơn năm trước rất nhiều”, GS Sơn nói.
Cũng theo tính toán của Hiệu trưởng một trường ĐH khu vực TP.HCM, chi phí cho thù lao cán bộ tham gia công tác thi cử năm 2012 khá cao, khoảng 400.000 đồng/người/đợt thi (tăng khoảng 50.000 đồng/người/lượt so với năm 2011). Đó là chưa kể, một số trường ngoài công lập thu hút người bằng cách “phá giá”, trả tới 600.000 đồng/người/đợt thi.
Là trường có lượng hồ sơ tăng đột biến, hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng đang “đứng ngồi không yên” với nỗi lo chi cho tuyển sinh. Lượng hồ sơ nộp vào trường khá lớn cũng đồng nghĩa với việc sắp bị khoản nợ khổng lồ “giáng” xuống đầu. Một cán bộ trong hội đồng tuyển sinh nhà trường tính toán, nếu như năm 2011, trường chỉ trả 300.000 đồng/phòng thi/đợt thi thì năm nay con số này đã tăng thành 320.000 đồng - 350.000 đồng. Chi phí thuê cán bộ coi thi từ 350.000 đồng/người/đợt thi giờ phi nước đại lên mốc từ 400.000 đồng – 600.000 đồng. Chưa hết, giá đề thi cũng có khả năng tăng theo các chi phí khác như đề môn trắc nghiệm khoảng 6.500 đồng/đề, tự luận là 2.500 đồng/đề... “Với 22.000 thí sinh dự thi thì trường phải lỗ hơn 600 triệu đồng”, vị này nói thêm.
Thu một “giọt”, chi một “cốc”
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu lệ phí dự thi dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ và TCCN có tổ chức thi, lệ phí đăng ký dự thi là 80.000 đồng. Đối với các trường thi môn năng khiếu, lệ phí tuyển sinh là 200.000 đồng/thí sinh. Mức phí này có cao hơn so với những năm trước và vẫn bằng năm 2011.
Theo quan điểm của Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại, lệ phí thi năm 2012 vẫn giữ ở mức 80.000 đồng, không tính các ngành năng khiếu và sơ tuyển. Trong bối cảnh giá cả đang lên cao như hiện nay, rõ ràng mức phí này không đủ và không thể bù lại được so với chi phí các trường tổ chức thi phải bỏ ra.
“Bộ yêu cầu lấy thu bù chi, khoản thu từ lệ phí thi mà thiếu thì dùng những khoản thu khác của nhà trường để bù lại. Tuy nhiên, nói gì thì nói, điều này cũng gây áp lực cho các trường Đại học. Họ phải cân đối thu chi cho tất cả các hoạt động của trường mình chứ không riêng tuyển sinh”, GS Sơn nói.
Cũng trao đổi với Người đưa tin, TS Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, năm nay nhà trường không dám tuyển sinh mà chỉ xét tuyển. Giá cả năm nay khác năm trước, mọi thứ đều tăng. Nếu lệ phí thi không thay đổi thì các trường sẽ lỗ. Một số trường đã phàn nàn về vấn đề này nhưng vẫn chưa được Bộ chấp thuận. Với các trường có lượng hồ sơ lớn thì “khả năng” lỗ sẽ cao hơn. Thử tính toán, với mỗi thí sinh, trường bị lỗ 10.000 đồng thì số thí sinh càng đông trường sẽ càng lỗ nặng. Thí sinh ít lỗ ít, nhiều thì lỗ nhiều.
Theo quan điểm của TS Thanh, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, với những trường ngoài công lập, đây thực sự là gánh nặng lớn. “Trước đây, có 5 trường không lấy ngân sách của Nhà nước, trong đó có Viện Đại học Mở Hà Nội. Thực tế, chúng tôi cũng điêu đứng. Theo tôi, nếu đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì Nhà nước nên “du di” một chút. Thu mức phí 80.000 đồng có thể dễ cho thí sinh nhưng lại khó cho các trường. Vì tình hình khó khăn như thế nên năm nay trường tôi chỉ xét tuyển thôi”, TS Thanh nói.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo các trường ĐH khu vực TP.HCM, khoản bù lỗ của các trường càng tăng cao nếu số thí sinh dự thi đông, đặc biệt tại các trường của TP.HCM có thí sinh thi ở cụm Vinh (Nghệ An), Quy Nhơn (Bình Định), giá tổ chức phòng thi cao ngất. Theo hợp đồng tuyển sinh giữa một trường ĐH tại TP.HCM có thí sinh thi tại các cụm thi thì với cụm Cần Thơ, các trường chỉ cần trả khoảng 49.000 đồng/thí sinh dự thi tại đây.
Trong khi đó, cụm thi Quy Nhơn lấy giá khoảng 81.000 đồng/thí sinh. Đắt nhất phải kể đến cụm thi Vinh, với mỗi thí sinh dự thi tại đây, hội đồng tuyển sinh phải trả 106.000 đồng. Nếu thuê luôn nhân sự chấm thi tại Vinh thì các trường phải trả thêm 41.000 đồng/thí sinh…
Thu không thể đủ bù chi, hiện nay, các trường càng được nhiều thí sinh “yêu mến” nộp đơn, lại càng “méo mặt” vì chuyện “cơm áo gạo tiền”, như một cán bộ phụ trách tuyển sinh thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM than thở: Thí sinh dự thi càng nhiều, trường càng lỗ nặng!
Nên điều chỉnh lệ phí để chia sẻ với trường Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cũng thừa nhận, riêng trường này năm ngoái cũng lỗ “kha khá” nhưng số liệu cụ thể thì không muốn công bố. “Theo tôi, lệ phí thi là chi phí vô cùng nhỏ so với khoản tiền thí sinh phải bỏ ra trong mỗi kì thi. Vì thế, tỉ lệ này nếu có điều chỉnh một chút cũng không ảnh hưởng lớn lắm đến khả năng tài chính của mỗi thí sinh. Cần phải tính toán, thí sinh đi thi sẽ phải tiêu bao nhiêu tiền, nhất là các thí sinh ở xa trong khi lệ phí thi chỉ có mấy chục nghìn đồng. Lệ phí như thế là vô cùng nhỏ so với tổng chi phí. Vì thế, Nhà nước nên xem xét điều chỉnh lệ phí để đỡ khó khăn cho các trường đại học, thí sinh cũng cần phải chia sẻ khó khăn này với trường”, GS Sơn nói. |
Anh Đức – Thanh Xuân