Trường quay phim Việt phát triển lầm đường

Trường quay phim Việt phát triển lầm đường

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Khi các dự án cải tạo, tu bổ, xây dựng trường quay vẫn đang ngổn ngang trăm bề, điện ảnh Việt khó có thể có những bước tiến dài.

Không chỉ là trường quay

So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam không hề thua kém về lịch sử dân tộc, cảnh quan thiên nhiên hay con người. Tuy nhiên, càng ngày nền điện ảnh của chúng ta càng bị bỏ lại những quãng khá xa. Một phần trong việc tạo ra những yếu kém đó chính là việc chúng ta không biết tận dụng những giá trị của nước nhà cho nền điện ảnh.

Chỉ riêng việc lựa chọn địa điểm để xây dựng các trường quay cũng đã rất loay hoay trong khi vốn có nhiều điều kiện thuận lợi. Nước ta được thiên nhiên ưu đãi cho địa hình núi sông rất đặc biệt, dọc hình chữ S xinh đẹp cảnh quan không thua kém gì Trung Quốc hay Hàn Quốc. Nhưng với điện ảnh Việt vấn đề không gian, bối cảnh dù trong nhà hay ngoài trời đều chưa bao giờ làm thỏa mãn các đoàn làm phim.

Ngoài ra, việc kết hợp phim trường với việc mở rộng các hoạt động dịch vụ như du lịch, tổ chức sự kiện cũng là một hình thức hái ra tiền cho nước nhà. Hình thức này đã được Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ áp dụng và đạt hiệu quả trong nhiều năm qua. Trung Quốc ngoài phim trường Hoành Điếm nổi tiếng còn có 11 cụm phim trường của Đài truyền hình Trung ương thuộc Thái Hồ, TP.Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Các phim trường này hàng năm thu hút từ 20.000 - 30.000 khách du lịch đến thăm quan, giao lưu gặp gỡ với các diễn viên nổi tiếng. Đây trở thành nguồn thu chủ yếu của TP.Vô Tích.

Ở Hàn Quốc cũng vậy, họ có rất nhiều các phim trường hiện đại, độc đáo đáp ứng được nhiều thể loại phim, nhiều dòng phim như Goguryeo Daejanggan, Park Southern Land, Daejanggeum, Seorak. Và những trường quay này cũng trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn của Hàn Quốc.

Sự kiện - Trường quay phim Việt phát triển lầm đường

Việt Nam có rất nhiều các địa danh đẹp có thể quy hoạch thành trường quay đồng thời phát triển du lịch. (Hình ảnh trong bộ phim Đông Dương quay tại vịnh Hạ Long)

Ngoài việc thăm quan, du khách còn có thể bỏ tiền thưởng thức, trải nghiệm cuộc sống của những thời đại xưa, tham gia các khóa học nấu ăn hoàng gia, làm đồ thủ công hay mua sắm.

Trong cuộc hội thảo mang chủ đề Cộng đồng điện ảnh Asean Hàn Quốc: Một châu Á trong điện ảnh diễn ra tại Hà Nội đầu năm 2012, Tiến sĩ Keum Sungkeun (Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu phát triển, ủy viên điều hành Hiệp hội điện ảnh Busan) đã chia sẻ về việc xây dựng phim trường như sau: "Nhiều ngôi làng, hòn đảo hẻo lánh chưa được nhiều người biết tới bỗng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, phát triển ngay sau khi trở thành phim trường của một bộ phim giành được tiếng vang.

Tôi biết Việt Nam qua đoạn phim quảng cáo ấn tượng về di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và qua bộ phim Đông Dương với nhiều cảnh quay thực hiện tại đây. Đáng tiếc là Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều nhà làm phim đến với di sản này.

Cần sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn

Vấn đề trường quay cho việc làm phim không phải là vấn đề mới, thậm chí đã được đưa ra trao đổi, bàn luận rất nhiều lần. Tuy nhiên việc đầu tư xây dựng vẫn rất nửa vời do chưa có sự tập trung trong việc xây dựng. Tiến độ hoàn thiện chậm trễ có khả năng kéo dài tới hàng chục năm khiến các nhà làm phim vô cùng ngán ngẩm.

Trong thời gian dài cổ chờ trường quay, họ vẫn phải mải miết đi tìm các vùng đất hứa để có những bối cảnh phù hợp. Những năm gần đây, hàng loạt dự án xây dựng trường quay được phê duyệt chứng tỏ các cơ quan chức năng đã nhìn ra sự quan trọng của trường quay đối với sự phát triển điện ảnh.

Vậy nhưng từ việc phê duyệt tới việc thực hiện rồi hoàn thành là một quãng thời gian quá dài, đủ để hàng trăm bộ phim vẫn phải đỏ mắt kiếm trường quay. Dự án trường quay Cổ Loa vẫn đang trong giai đoạn ngổn ngang. Dự án trường quay của HTV tại Củ Chi với diện tích 50ha được giao đất từ năm 2001 nhưng đến giờ vẫn chỉ vỏn vẹn có rừng cây. Dự án Happyland trường quay lớn nhất Việt Nam với diện tích 1.200ha tại Long An thì mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng nổi tiếng với nhiều bộ phim có tiếng vang thời gian qua chia sẻ: "Trên thực tế thì trường quay hiện nay phát triển khá nhiều, nhất là khu vực phía Nam. Tuy nhiên vấn đề cốt lõi vẫn là kinh phí. Có những trường quay được đầu tư kỹ lưỡng, đáp ứng đủ yêu cầu của đoàn làm phim thì chúng tôi lại không có tiền để thuê vì chi phí quá đắt, ngược lại khi thuê những phim trường bình dân hơn thì lại phải chạy tới chạy lui dàn dựng, tìm thêm bối cảnh.

Là những người làm phim, chúng tôi đều mong muốn mang đến cho khán giả những thước phim đẹp nhất nhưng khổ nỗi hiện nay 10 bộ phim làm ra thì chắc chỉ khoảng 3 bộ là mang lời về vì riêng khoản chi phí thuê trường quay, dàn dựng bối cảnh cũng đã rất tốn kém rồi; chúng tôi phải "liệu cơm gắp mắm" sao cho phù hợp nhất.

Cá nhân tôi thấy việc đầu tư xây dựng trường quay không khó nhưng việc rót vốn cho hạng mục này vẫn còn rất èo ọt, vì vậy vẫn mong các nhà quản lý chú ý hơn tới vấn đề này".

Tốn kém và lãng phí, liệu có thể khác?

Điện ảnh Việt Nam hiện nay có những bộ phim được đầu tư kinh phí lên tới triệu đô (hơn 20 tỷ đồng) mà chi phí chủ yếu ở khâu thuê trường quay, dàn dựng bối cảnh. Chính vì vậy, nhiều bộ phim có ý tưởng hay nhưng vì kinh phí hạn hẹp, không đủ tiền để dàn dựng những bối cảnh công phu, đạt nội dung kịch bản nên phải cắt đầu, cúp đuôi. Chính vì vậy, vấn đề cấp thiết để nâng cao chất lượng cho phim Việt hiện nay vẫn là hoàn chỉnh các phim trường để các đoàn làm phim "yên tâm" làm việc.

Đinh Nhung - Bảo Hằng

Kỳ 5: Trông người lại ngẫm đến ta


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.