“Nghệ sỹ giun đất” đã rời xa cõi tạm
Nghe tin Văn Hiệp mất, nhiều người không thể nào tin vào tai mình. Có người mới trước đấy không lâu, chỉ độ chừng một hai ngày vẫn còn ngồi trước màn hình tivi xem lại những bộ phim cũ mà ông đóng, tưởng cái ông trưởng thôn ấy vẫn đang đeo cái băng đỏ đi khắp làng trên xóm dưới để xử lý những chuyện trời ơi đất hỡi.
Thế mà ông đã ra đi thật. Gia đình và anh em nghệ sĩ biết ông đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư một thời gian dài, đã xác định trước tinh thần nhưng khi sự việc đến cũng không khỏi bàng hoàng. Việc ông ra đi mất mát nhiều quá, liệu có thể tìm đâu được một Văn Hiệp, một ông trưởng thôn cần cù và mẫn cán được như vậy nữa? Màn ảnh nhỏ mất đi một tiếng cười, khán giả mất đi một sự mong mỏi.
Rời cõi tạm, nghệ sĩ Văn Hiệp đưa thuốc lào về chốn vĩnh hằng.
Lúc còn sống, ông vẫn ví mình như một “nghệ sĩ giun đất”, "Năm năm, ngày ngày, tháng tháng/Miệt mài thâu đêm suốt sáng/Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một/ Và đất và giun tơi xốp/Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von”. Nghệ sĩ giun gần như trở thành bài thơ gắn bó với ông, đến nỗi những người đã từng gặp, từng tiếp xúc với Văn Hiệp, nếu hỏi mà không biết bài thơ này thì chắc chắn rằng người đó nói xạo.
Gắn bó với nghiệp diễn suốt mấy chục năm, gia tài mà ông có chỉ là một gia đình, tuyệt nhiên không có bất kì danh hiệu nào, dù là nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân. Nhiều người hỏi ông, ông chỉ lắc đầu, "Mình là nghệ sĩ giun thì cần gì chứ, chỉ cần tiếng cười của khán giả như con giun cần cù làm cho đất tươi xốp là được, thế là đủ hạnh phúc rồi".
Văn Hiệp ngoài đời gần như không khác gì với khi ông xuất hiện trên màn ảnh. Vẫn bộ quần áo bộ đội bạc thếch gần như đóng đinh với hình ảnh của ông, cái mũ vải bộ đội cũng đã cũ, nụ cười sảng khoái, trong lành mà mỗi khi cất tiếng lên, sự khề khà cũng đáng yêu. Anh em nghệ sĩ thường gọi ông là bố.
Khi bố Văn Hiệp cười, những nếp nhăn trên mặt ông lại càng rõ, ông nói đùa là nhăn như quả táo tầu. Mà bố cũng già thật rồi, tuổi dương của bố cũng đã ngoài thất thập rồi, thế mà trông bố trên màn hình thì vẫn còn khỏe lắm, ai ngờ bố lại ra đi như thế. Bố thích hút thuốc lào, mấy quán nước vỉa hè gần nhà bố, cả trên phố nữa cũng đã nhẵn mặt với nghệ sĩ giun này.
Văn Hiệp hút thuốc lào sòng sọc, hút xong lại cười khà, tính ông như vậy, cái duyên lặn duyên nổi cứ lớp lớp chồng vào nhau. Người hàng quán thích cái tính ông không phải vì ông chăm ngồi quán, bõ bèn gì đâu mấy đồng bạc lẻ cốc nước trà, dăm bi thuốc lào mà là có ông, quán cũng đông hơn.
Những câu chuyện của ông, đám trẻ và cả người già nữa cứ ngồi lắng tai để nghe, chuyện nghề, chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái, nhưng tuyệt nhiên rất ít khi ông kể về cuộc sống riêng của mình. Người ta thấy ông hay cười, nhưng ít người biết được ông cũng hay buồn. Nhiều khi sự cô đơn không nói thành lời.
Nghệ sỹ Văn Hiệp trong một tiểu phẩm hài. (Ảnh Internet)
Cả một đời "trưởng thôn"
Là một nghệ sĩ ăn lương sân khấu kịch nhưng người đời biết đến ông nhiều như một diễn viên điện ảnh bởi cái bóng của ông trưởng thôn quá lớn. Không biết có nên gọi ông là diễn viên hài hay không bởi những vai diễn của ông lúc nào xuất hiện cũng đem lại tiếng cười cho người xem, nhưng cười xong ngẫm lại nhiều lúc lại thấy nghèn nghẹn. Cái thật thà, chất phác của anh nông dân Việt, của anh bộ đội cụ Hồ đã từng xông qua hòn tên mũi đạn, bây giờ tìm lại trong cuộc sống đời thường sao mà khó đến thế. Cái người ta khao khát tìm thấy thì người ta lại nhận ra ở Văn Hiệp.
Bộ phim "Người vác tù và hàng tổng"... có thể gọi như một cái đinh trong sự nghiệp của ông. Cái ông trưởng thôn Văn Hiệp nhỏ thó, hiền lành, dí dỏm tuy học thức thấp nhưng lại có cái tấm lòng ít người sánh kịp. Ông cứ đeo cái còi trên cổ, thỉnh thoảng tuýt lại một hồi, những kẻ khuất tất nghe cũng đủ giật mình, thần hồn nát thần tính. Ông trở thành điểm tựa, một đại diện của chính quyền cấp thôn, làng, cứ có gì người ta lại gọi đến ông.... Sau thành công ấy, ông lại có điều kiện được đạo diễn Khải Hưng khai thác trong series Gặp nhau cuối tuần. Vẫn là ông trưởng thôn, cứ có bất hòa ở đâu là có mặt, mà bất hòa lớn nhất vẫn là của gia đình Quang Tèo và Giang Còi. Cái cách ông nghiêm mặt quát tháo cũng khiến người khác phải phì cười vì... lành quá.
Bình sinh, ông cũng tự nhận khuyết điểm lớn nhất của mình là lành. Vì lành quá mà đâm ra thua thiệt. Nghiệp diễn nhiều khi cũng bạc, suốt mấy chục năm đứng trên sân khấu kịch rồi lại trước ống kính máy quay truyền hình, ông đâu có để lại được gì ra cho mình. Vợ ông cũng vì cuộc mưu sinh mà phải sang Đức xuất khẩu lao động. Đã 20 năm nhưng bà vẫn không về. Ông chấp nhận cảnh gà trống nuôi con, chăm chỉ đi làm, kiếm tiền nuôi hai đứa con một trai, một gái ăn học mà chưa từng buông một lời trách cứ vợ.
“Cứ coi như chúng tôi ly thân đi, bà ấy cũng khổ tâm lắm”, ông chép miệng cười buồn khi chúng tôi hỏi chuyện nhà. Ly thân nhưng quyết là không ly hôn, ông thấy mình phải có trách nhiệm với vợ, con nhiều hơn nữa. Cũng vì một cuộc mưu sinh cả. Đợt ốm lần này, biết ông khó lòng qua khỏi, vợ ông cũng có bay về một thời gian ngắn, chăm sóc ông rồi lại về Đức. Kể ra, cái ước muốn sum họp cuối đời của ông trưởng thôn vẫn còn lận đận.
Nghỉ hưu nhưng ông vẫn nhận đi đóng phim, không có việc thì ở nhà trông cháu giúp các con. Nhìn những đứa cháu nhỏ sum vầy bên cạnh, ông thấy cuộc sống thật ấm áp. Nhất là trong những ngày bệnh tật giày vò, nghe tiếng trẻ cũng đủ làm dịu đi cơn đau rất nhiều. Thời gian nằm viện, nhiều y bác sĩ vì quý mến, luôn dành cho ông sự tận tình, chăm sóc như chính người nhà của mình, chỉ mong ông có thể khỏe lại, để lại xuất hiện trên ti vi. Ông không hay than vãn, chẳng khi nào kể lể chuyện buồn, có chuyện vui thì đem ra chia sẻ cho mọi người cùng vui. Ông vẫn thường dặn các con - các anh chị em nghệ sĩ trẻ rằng là nghệ sĩ, chỉ cần khán giả còn muốn thấy mình là được. Khi mình diễn mà khán giả nhìn sang chỗ khác thì buồn lắm, nghĩa là mình thất bại.
Các nghệ sĩ Thu Huyền, Vượng Râu, Công Lý, Quang Tèo, Bình Trọng, Minh Vượng... đã từng gắn bó với ông suốt nhiều năm thấy hụt hẫng. Mấy ngày hôm nay, trên các trang cá nhân, anh chị em nghệ sĩ ngập tràn niềm thương tiếc và xót xa về một người nghệ sĩ của nhân dân, cả đời hết mình vì những vai diễn. Dẫu biết rằng, lá rụng về cội là lẽ thường nhưng nỗi đau ấy đột ngột và mất mát quá.
Dù thương tiếc thế nào thì ông cũng đã đi rồi. Người nghệ sĩ của nhân dân suốt đời không cần bất kì danh hiệu nào, chỉ cần là ông trưởng thôn xuề xòa, hay cười và tốt bụng. Thắp một nén tâm nhang, cầu cho linh hồn của người nghệ sĩ giun tìm được những phần còn khuyết mà trong cuộc đời ông vẫn kiếm không ra.
> Chuyện cuộc đời của cố nghệ sĩ Văn Hiệp
Gia Lê