Thích thú hình ảnh học sinh tiểu học mặc đồng phục áo dài
Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook tại Tp.Huế liên tục xuất hiện nhiều bài đăng về hình ảnh học sinh của Trường tiểu học Quang Trung, phường Phú Nhuận, quận Thuận Hoá, Tp.Huế mặc đồng phục áo dài để chào cờ. Bên cạnh đó, hình ảnh học sinh của trường này mặc đồng phục áo dài còn xuất hiện tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng tại Tp.Huế.
Ngay sau khi các bài đăng kể trên được lan truyền trên mạng xã hội, chỉ trong thời gian ngắn, các bài đăng này đã thu hút hàng trăm lượt thích, bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng.


Hình ảnh các em học sinh Trường tiểu học Quang Trung mặc đồng phục áo dài khiến nhiều người bày tỏ sự thích thú.
Đáng chú ý, bên cạnh nhiều bình luận tỏ ra bất ngờ và thích thú về hình ảnh đẹp của các em học sinh tiểu học mặc đồng phục áo dài, một số dân cư mạng lại bày tỏ việc các em học sinh tiểu học mặc áo dài liệu có phù hợp hay chưa, có gây ra sự tốn kém cho các phụ huynh hay không.
Cụ thể, tài khoản Facebooker có tên H.D. bình luận, các em học sinh tiểu học còn nhỏ, đang trong độ tuổi hiếu động, việc các em mặc đồng phục áo dài sẽ gây ra cảm giác không thoải mái trong lúc các em vui chơi, hoạt động.
Tương tự, tài khoản Facebooker có tên N.Q. bày tỏ, nhìn qua thì thấy cũng đẹp nhưng mà các em còn nhỏ việc mặc đồng phục áo dài có cần thiết chưa và 100% phụ huynh có đồng ý ủng hộ hay không.
Trước những thông tin trên, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với cô Phan Thị Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung để làm rõ một số vấn đề xung quanh vụ việc này.
Mặc đồng phục áo dài để quảng bá văn hoá Huế
Qua trao đổi, cô Quỳnh cho biết, xuất phát từ ý tưởng năm vừa rồi tại Tp.Huế có nhiều sự kiện lớn, áo dài được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể. Ngoài ra, có rất nhiều phụ huynh trong nhà trường làm về văn hoá và mong muốn khôi phục lại tà áo dài ngũ thân là tà áo dài xưa của Huế.
Theo cô Quỳnh, cùng với thời điểm Huế được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương và tiến tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng Huế, từ những sự kiện lớn đó đã thôi thúc cho nhà trường, với mong muốn các em có một tà áo dài mang màu sắc đặc trưng của học sinh tiểu học nhằm giữ gìn và quảng bá văn hoá Huế.
"Sau khi nhà trường nêu ý kiến ra, có rất nhiều em học sinh cũng như phụ huynh đều bày tỏ ý kiến đồng thuận. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã kêu gọi được một số nhà tài trợ nước ngoài và trong nước hỗ trợ, với kinh phí huy động được là hơn 100 triệu đồng", cô Quỳnh chia sẻ.


Theo Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Tp.Huế, điểm nổi bật của Trường tiểu học Quang Trung là cách triển khai khéo léo, mềm mại, không gượng ép, tạo sự lan tỏa tự nhiên trong cộng đồng giáo dục.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, sau khi có kinh phí, nhà trường đã nhờ đơn vị thiết kế may đo, phụ huynh cũng tự đi may đo. Tuy nhiên khi may đo xong, nhà trường sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho phụ huynh trả cho nhà may. "Ngoài ra, có khoảng hơn 30 bạn có hoàn cảnh khó khăn được các phụ huynh trong lớp cùng nhà trường vận động mạnh thường quân hỗ trợ hoàn toàn cho các bạn", cô Quỳnh nói.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung cho biết thêm, toàn trường có 1500 em học sinh, các em sẽ mặc đồng phục áo dài vào các dịp lễ hội, các dịp đặc biệt như tham quan trải nghiệm di sản, ngày khai bút đầu Xuân, hội chợ Xuân, ngày 26/3 và các ngày lễ trang trọng mang tính chất văn hoá. Đến thời điểm hiện tại, các em đều cảm thấy vui và yêu thích khi được mặc áo dài.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Tp.Huế cho biết, Trường tiểu học Quang Trung là một trong những đơn vị giáo dục tiêu biểu, đi đầu trong việc đưa áo dài ngũ thân, trang phục truyền thống đặc trưng của Huế vào môi trường học đường. Đây không chỉ là một hoạt động mang tính hình thức mà đã trở thành phong trào văn hóa có chiều sâu, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế và trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục học sinh về bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo ông Hải, phong trào này tạo được dấu ấn đặc biệt bởi sự hưởng ứng tích cực của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Các em học sinh mặc áo dài ngũ thân trong những dịp lễ, sự kiện của trường hoặc trong các hoạt động trải nghiệm đã góp phần hình thành ý thức tự hào về văn hóa Huế, giúp các em hiểu hơn về lịch sử, truyền thống và nét đẹp của trang phục cổ truyền.
"Điểm nổi bật của Trường tiểu học Quang Trung là cách triển khai khéo léo, mềm mại, không gượng ép, tạo sự lan tỏa tự nhiên trong cộng đồng giáo dục. Qua đó, Nhà trường không chỉ giữ gìn di sản văn hóa mà còn góp phần định hướng thẩm mỹ, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ. Đây là mô hình đáng được nhân rộng trong tiến trình xây dựng Huế trở thành Thành phố Di sản và Thành phố Áo dài của Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh.