Cụ thể, ngày 19/3, bộ GD&ĐT đã thông tin việc đăng ký mở ngành xuất bản, báo chí tại các trường tư thục gửi các cơ sở giáo dục đại học tư thục, dân lập. Theo đó, đại học dân lập, tư thục không mở các khoa, lớp báo chí
Theo vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT), Bộ có ý kiến trả lời đề nghị của một số trường đại học tư thục về việc đăng ký mở ngành xuất bản, báo chí như sau:
“Tại điểm 3, mục II về Thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với công tác báo chí xuất bản, trong chỉ thị số 22-CT/TW ngày 17-10-1997 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản” nêu: “Đào tạo bồi đưỡng báo chí chủ yếu là trong nước, dưới sự thống nhất của Đảng và sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Không mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản ở các trường đại học dân lập, tư thục” .
Đại diện vụ Giáo dục đại học cũng khẳng định: Căn cứ vào quy định trên, các trường đại học dân lập, tư thục không được mở các khoa, lớp báo chí, xuất bản. “Bộ GD&ĐT đề nghị các trường thực hiện đúng nội dung nêu trên” - văn bản nêu rõ.
Trước đó, một số trường tư thục đã có dự kiến tuyển sinh ngành báo chí. Cụ thể, trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh công bố thông tin tuyển sinh đại học năm 2021 có dự kiến tuyển ngành báo chí.
Đại diện trường đại học Kinh tế - tài chính TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện đề án mở ngành báo chí của trường đang được thực hiện theo trình tự và quy định, mở ngành đối với các trường đã đảm bảo tiêu chí kiểm định đánh giá cấp cơ sở giáo dục đại học.
Theo ThS. Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc trung tâm Tư vấn tuyển sinh (trường đại học Kinh tế - tài chính TP.Hồ Chí Minh), năm 2021, trường dự kiến mở tuyển sinh 5 ngành học mới gồm Bất động sản, Tài chính quốc tế, Báo chí, Tâm lý học, Thiết kế đồ họa nhằm mang đến cơ hội lựa chọn đa dạng ngành học cho thí sinh cả nước, đồng thời đáp ứng nhân lực cho xã hội. Các ngành học mới này nằm trong tổng chỉ tiêu của trường.
Trên website của trường đại học Kinh tế - tài chính TP.Hồ Chí Minh, những bài viết thu hút thí sinh đăng ký nguyện vọng đã được đăng tải từ nhiều tháng trước: “Báo chí là một trong những ngành được các bạn trẻ quan tâm hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Báo chí chính là “quyền lực thứ tư” của xã hội. Vì thế, việc trở thành sinh viên ngành Báo và gắn bó với sứ mệnh cung cấp thông tin cho công chúng là một niềm tự hào.
Để lựa chọn một “ngôi nhà thứ 2” gắn bó suốt 4 năm đại học, phù hợp với đam mê và nguyện vọng của mình, bạn có thể tham khảo một số trường như: trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh); trường đại học Văn hóa Hà Nội, trường đại học Khoa học (đại học Huế), học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường đại học Kinh Tế - Tài Chính TP.Hồ Chí Minh (dự kiến đào tạo năm 2021),...
Ngành Báo chí là một trong những ngành chưa bao giờ hạ nhiệt, nhận được sự quan tâm của đông đảo các thí sinh yêu thích viết lách, năng động, chịu được áp lực công việc. Hòa cùng xu thế hội nhập - quốc tế hóa mạnh mẽ, trường đại học Kinh tế Tài chính TP.Hồ Chí Minh không chỉ chú trọng bồi dưỡng năng lực chuyên môn mà còn chủ động trang bị ngoại ngữ, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết như: khả năng tư duy lí luận, cách tổ chức công việc hiệu quả, khai thác, thẩm định thông tin,… cũng như các kỹ năng mềm thông qua các buổi học thực hành với trang thiết bị hiện đại của nhà trường”.
Ngành báo chí những năm qua vẫn luôn là ngành “hot”, thu hút lượng lớn thí sinh trong các mùa tuyển sinh. Điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành này luôn rất cao, nhiều trường còn tổ chức những bài thi năng khiếu báo chí để siết chất lượng đầu vào.
Do đó, rất nhiều trường tư thục cũng muốn được mở ngành báo chí để thu hút người học. Nhưng do không được bộ GD&ĐT cho phép mở, một số trường “lách luật”, đặt một tên ngành khác, gắn chữ báo chí. Năm 2018, sau khi bị sinh viên phản ứng khi một trường đại học tư thục ở miền Trung cấp bằng cử nhân văn học cho sinh viên ngành báo chí, nhà trường cho rằng “tuyển sinh đào tạo chuyên ngành văn báo chí thuộc ngành văn học để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên, song bằng cấp phải ghi là văn học mới phù hợp quy chế”.
Tuy nhiên, mã ngành của bộ GD&ĐT hiện nay không có ngành “văn báo chí”.
Trước đây, bộ GD&DT cũng từng quy định báo chí là ngành học đặc thù, không phải trường nào muốn là có thể mở ngành đào tạo. Thực tế đến nay, chỉ có các trường đại học công lập đào tạo ngành báo chí.
Năm 1995, bộ GD&ĐT từng yêu cầu trường đại học Mở bán công TP.Hồ Chí Minh (nay là trường đại học Mở TP.Hồ Chsi Minh) phải chuyển hàng trăm sinh viên năm thứ 2 ngành báo chí của trường này sang trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Lý do bộ GD&ĐT đưa ra là “ngành báo chí chỉ được đào tạo chính quy tại các trường đại học công lập. Trường đại học Mở bán công TP.Hồ Chí Minh không phải là trường công nên không được phép đào tạo ngành này”.
Hiện nay, trên cả nước chỉ có 9 trường đại học, học viện đào tạo ngành báo chí, tất cả đều là trường công lập:
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia Hà Nội)
Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh)
Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội
Trường đại học Văn hóa Hà Nội
Trường đại học Khoa học (đại học Huế)
Trường đại học Khoa học (đại học Thái Nguyên)
Trường đại học Sư phạm (đại học Đà Nẵng)
Trường đại học Vinh
Cẩm Mịch