Các chuyên gia an ninh mạng tại Công ty McAfee (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo người dùng không nên tương tác trên cửa sổ bật lên (pop-up).
Công ty cho biết thông báo dạng pop-up rất phổ biến khi truy cập web, đặc biệt với những trang không đáng tin cậy như website tải phần mềm bẻ khóa hoặc nội dung lậu.
"Pop-up thường chứa quảng cáo hoặc thông báo nhưng cũng có thể đính kèm liên kết tải xuống mã độc" – chuyên gia của McAfee cho biết và nhấn mạnh – "Đừng bao giờ nhấp vào khung pop-up hoặc thông báo bất kỳ chứa 4 từ: OK, Agree, No hoặc Yes trên các trang web lạ. Thao tác này có thể âm thầm kích hoạt tiến trình tải xuống phần mềm gián điệp".
Để đóng cửa sổ pop-up người dùng nên nhấn dấu X ở góc hoặc tắt hoàn toàn trình duyệt.
Theo các chuyên gia an ninh tắt trình duyệt không đơn thuần là click vào dấu X ở góc phải màn hình. Để tắt hoàn toàn người dùng phải kích hoạt trình quản lý tác vụ Task Manager > Kết thúc tác vụ để đóng các tab trên Windows. Với máy Mac, click chuột phải vào icon dưới thanh menu bar và chọn "Bắt buộc thoát".
Đây là những khuyến cáo các chuyên gia đưa ra để người dùng tránh nguy cơ tải về mã độc hoặc phần mềm gián điệp. Những mã độc này sau khi về máy sẽ nhanh chóng thu thập dữ liệu như tên đăng nhập và mật khẩu các dịch vụ trực tuyến và các thông tin cá nhân khác nhằm mục đích xấu.
Bên cạnh đó, người dùng iOS, Android, Windows hay macOS nên cập nhật hệ điều hành thường xuyên vì giúp vá lỗ hổng mà phần mềm gián điệp và chương trình độc hại có thể khai thác.
Trên đây là bốn từ không nên click chuột khi duyệt web, mong rằng những kiến thức này sẽ bổ ích với bạn.
Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về tấn công mã độc
Theo Dân Trí, trong báo cáo vào tháng 4 vừa qua, Kaspersky cho biết đã ngăn chặn 505.879.385 cuộc tấn công từ các nguồn trực tuyến trên toàn cầu vào năm 2022. Trang web Anti-Virus của công ty cũng đã chặn 109.183.489 đối tượng độc hại độc lập, tăng 69% so với năm 2021.
Tại Đông Nam Á, số vụ tấn công bằng phần mềm độc hại bị Kaspersky ngăn chặn là 207.506 vụ. Trong đó, Việt Nam chiếm 15.499 vụ. Con số trên đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong số các quốc gia có nhiều vụ tấn công bằng phần mềm độc hại trong khu vực.
Bên cạnh đó, các mối đe dọa mới cũng liên tục xuất hiện, từ những kẻ đánh cắp nhắm mục tiêu vào tài khoản trên nền tảng trò chơi trực tuyến hoặc ví tiền điện tử, cho đến phần mềm theo dõi cho phép tội phạm bí mật theo dõi cuộc sống riêng tư của người dùng thông qua thiết bị di động...
"Tầm quan trọng của an ninh mạng ngày càng tăng và việc số hóa cuộc sống chưa bao giờ cấp thiết đến như vậy. Ngày nay, một giải pháp bảo mật không chỉ là một giải pháp chống virus cho PC mà còn là một hệ sinh thái toàn diện bao gồm các dịch vụ bảo mật cho mọi nền tảng và thiết bị, phục vụ mọi nhu cầu của người dùng", bà Võ Dương Tú Diễm, Giám đốc Kaspersky khu vực Việt Nam, cho biết.
Minh Hoa (t/h)