Dấu vết carbon là một thước đo hữu hiệu giúp hiểu rõ tác động của hành vi cá nhân tới sự nóng lên toàn cầu. Nguoiduatin.vn đã có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Anh Tuấn, người cùng Pi C&E vừa đoạt giải cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt Nam - Biến đổi khí hậu” về vấn đề này.
TS. Phạm Anh Tuấn, tác giả "Truy tìm Dấu vết Carbon"
PV: Chào ông, ông có thể định nghĩa rõ hơn thế nào là dấu vết carbon?
TS. Phạm Anh Tuấn: Dấu vết carbon là tổng lượng khí nhà kính mà con người tạo ra trong hoạt động sinh sống và sản xuất hàng ngày, được tính bằng lượng (tấn) khí CO2 tương đương. Sự tương đương ở đây được hiểu là khả năng năng gây ra một hiệu ứng nóng lên toàn cầu của khí nhà kính loại này so với khí CO2 trong một khoảng thời gian nhất định. Dấu vết carbon của một người (một quốc gia) là tổng tất cả các phát thải CO2 , được tạo ra bởi hoạt động của người (quốc gia) đó trong một khung thời gian nhất định, thường là một năm.
PV: Xin ông cho biết sơ qua về tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam?
TS. Phạm Anh Tuấn: Chúng ta có thể nhận biết ngay tác động của biến đổi khí hậu qua sự xuất hiện của những đợt nắng nóng, mưa lũ kéo dài bất thường tại các vùng, lãnh thổ của Việt Nam gần đây. Đợt nắng nóng kỷ lục tại Hà Nội và tại nhiều tỉnh, thành phố khác vừa qua là một ví dụ. Những đợt nắng nóng, mưa lũ bất thường như thế sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Biến đổi khí hậu toàn cầu là hậu quả của việc Trái đất sự nóng lên, băng tan chảy, nước biển dâng, gây ra ngập lụt, bệnh dịch khắp nơi. Khi nước biển dâng, Việt Nam với hơn 3000 km đường biển sẽ có nhiều vùng đất bị ngập. Có thể thấy, mọi lĩnh vực như công – nông – lâm – ngư nghiệp, thuỷ, hải sản, văn hoá - du lịch… đều bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
PV: Thưa ông, với “Truy tìm Dấu vết Carbon” người ta có thể giảm tác động của biến đổi khí hậu như thế nào?
TS. Phạm Anh Tuấn: Nguyên nhân gây biến đổi khí hậu đã được xác định là do con người. Hiện nay, bất cứ hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào của con người đều phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Không những thế, khối lượng phát thải ngày càng nhiều, bởi chúng ta ngày càng sản xuất và tiêu dùng nhiều hơn. Và hậu quả là trái đất ngày càng bị nóng hơn.
Các nhà khoa học cho biết, hàm lượng một số khí nhà kính điển hình như CO2, CH4, N2O, O3… trong khí quyển đã tăng lên nhiều so với thời kỳ tiền công nghiệp (bắt đầu vào khoảng giữa thế kỷ 18). Vì thế chúng ta cần tìm cách giảm phát thải khí nhà kính, duy trì lượng phát thải khí nhà kính ở mức có thể chấp nhận để trái đất không bị nóng lên.
Trong việc kiểm soát phát thải khí nhà kính, người ta biết, khí nhà kính khác nhau có khả năng làm nóng trái đất khác nhau. Để đánh giá khả năng làm nóng trái đất của các khí nhà kính, người ta so sánh khả năng làm nóng trái đất trong vòng 100 năm của một khí nhà kính nào đó với khả năng đó của khí CO2. Và kết quả là, nếu coi khả năng làm nóng trái đất trong vòng 100 năm của khí CO2 là 1, thì khả năng làm nóng trái đất của CH4 trong vòng 100 năm là 25, của khí N2O là 298, của CHF3 là 14.800 lần. Bằng cách như vậy người ta quy mọi tác động làm nóng trái đất về “dấu vết carbon” và rồi “truy tìm” chúng.
Bằng cách truy tìm dấu vết carbon, con người có thể lựa chọn cho mình một cách ứng xử thông minh trong sản xuất và tiêu dùng với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển, giảm tác động của biến đổi khí hậu.
PV: Xin ông hãy lấy ví dụ về các biện phát sản xuất và tiêu dùng thông minh…
TS. Phạm Anh Tuấn: Rất đơn giản. Đó chỉ là việc sản xuất sao cho sạch hơn, ít tiêu tốn nguyên vật liệu hơn, ít sử dụng điện nước hơn; là việc sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, hay là việc tiêu dùng hợp lý, không mua sắm bừa bãi, không chạy theo mốt, chỉ mua những thứ thực sự cần cho cuộc sống… Tham gia các hoạt động 3R, tích cực trồng cây xanh, bảo vệ rừng. Trong ăn uống thì sử dụng nhiều rau xanh, hoa quả tươi thay vì thịt cá, bia rượu…
PV: Biến đổi khí hậu và kiến thức liên quan là một vấn đề khá khó, ngay cả với người lớn. Vậy mà đề án lại chọn đối tượng truyền thông là trẻ em. Vậy làm thế nào để có thể chuyển tải hiệu quả các kiến thức này tới các em lứa tuổi học sinh tiểu học.
TS. Phạm Anh Tuấn: Đối với các em thì việc chuyển tải kiến thức thông qua tranh ảnh, thơ ca hò vè, qua các trò chơi luôn đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì thế mà đề án đã xây dựng các sản phẩm như truyện tranh, thơ, trò chơi, các buổi sinh hoạt, vui chơi ngoài trời, các hoạt động ngoại khoá có thưởng… Đề án cũng tìm cách đơn giản hoá những khái niệm khó như khí nhà kính, hiệu ứng nhà kính…, miêu tả chúng bằng những hoạt động, khái niệm dễ hiểu hơn.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông và chúc cho đề án ngày càng được nhiều người biết tới và làm theo để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Hà Lan (thực hiện)