Duyên kỳ ngộ với cây đàn cổ hơn 100 năm của Pháp
Người may mắn sở hữu cây dương cầm cổ độc nhất Việt Nam này là nghệ sỹ guitar Phan Quang Minh. Khi có được cây đàn nằm (đàn ba chân - PV) cũ kỹ, sản xuất từ năm 1890, chính Phan Quang Minh (sinh năm 1962, Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không biết đó là đàn được chuyển về Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt, đó là đàn của hãng Pleyel. Đây là một hãng sản xuất piano đã hoạt động trên 200 năm qua và là một trong những hãng piano nổi tiếng lâu đời nhất thế giới và là hãng đàn đầu tiên ở Paris (Pháp).
Theo Phan Quang Minh, đàn dương cầm cổ này ở Việt Nam chỉ còn khoảng 2 chiếc và anh là người may mắn được sở hữu một chiếc, chiếc còn lại hiện đang do một gia đình ở Hà thành sở hữu. Cơ cấu của loại đàn nằm này rất đặc biệt và khác hoàn toàn với đàn piano đứng. Hiện số đàn piano đứng có tuổi thọ vài chục năm thì rất ít đàn sử dụng tốt, có thể nhiều gia đình còn giữ được nhưng sẽ không sử dụng được.
Đàn dương cầm cổ từ năm 1890 của nghệ sỹ guitar Phan Quang Minh
Trong căn phòng ngập những dãy sách các loại choán hết phía tường, cây đàn cổ hơn 100 năm án ngữ phần lớn diện tích giữa căn phòng. Dù rất lâu không được lau chùi nhưng cây đàn màu nâu cổ này vẫn có một lớp bóng như vừa được sơn. Bộ dây bên trong đàn còn nguyên vẹn, phía bên trong hộp đàn in rất nhiều chữ Pleyel nổi màu đồng và in năm sản xuất là 189036 (chiếc đàn thứ 36 sản xuất năm 1890 - PV). Tính ra, đàn đã được sản xuất từ 122 năm trước tại Paris, tuy vậy nhưng mới nhìn qua, trông chiếc đàn này chẳng khác gì đàn mới.
"Cơ cấu của chiếc dương cầm cổ này dùng gỗ rất đặc biệt. Đàn làm hoàn toàn bằng gỗ thịt, tất cả là khối gỗ đặc, tính chất âm học của đàn được liệt vào hay bậc nhất trong các loại đàn cùng hãng, cùng thời. Không những vậy, với những chiếc đàn nằm cổ như vậy, bao giờ cũng có những chiếc giá nhạc bằng gỗ liền trên đàn, đây là điểm riêng, mang dấu ấn văn hóa Pháp", Quang Minh cho biết.
Nói về cơ duyên được sở hữu chiếc đàn quý, Minh cười bảo: "Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy tình cờ và may mắn cho mình". Từ khoảng những năm 1986, anh đã biết ở Việt Nam vẫn còn đàn của hãng Pleyel từ Pháp đưa sang. Cũng năm đó, anh đang học piano ở nhạc viện Hà Nội (nay là học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Hồi đó, Quang Minh hay đến nhà cô giáo Ngọc - người dạy ghi âm - xướng âm trong nhạc viện học và cũng được nghe nhiều thông tin liên quan tới các loại dương cầm. Ngoài ra, anh cũng nghe thông tin về những hãng sản xuất đàn piano có tiếng từ những người bạn trong giới như anh Hào (từng học lên dây đàn piano tại nhà máy Tháng Mười Đỏ ở Mátxcơva, Nga), Tuấn, Trung (đều học và làm ở xưởng đàn tại Tiệp Khắc trong vòng 10 năm). Sau đó, trong một dịp về Bùi Chu (Xuân Trường, Nam Định), nói chuyện với những người bạn nhạc trong một cuộc rượu, anh mới bắt đầu để ý đến đàn cổ. Trước đó, từ những năm 1979 - 1980, khi sang Nga học, Quang Minh đã biết đến hãng Pleyel.
Chiếc đàn cổ được anh mua từ hơn 10 năm nay của một người chuyên sửa và lên dây piano tên là Đặng Nguyên Hào. Khi tiếp xúc với chiếc piano này, cả người bán, người mua đều chưa rành về nguồn gốc xuất xứ của đàn. Một lần nhân bữa qua nhà ông Hào chơi, Quang Minh được gợi ý "mua chiếc đàn cũ này cho con nhỏ tập piano, đàn cũ nhưng còn dùng tốt lắm". Không ngần ngại và lúc đó cũng chưa xem xét hay tìm hiểu tỉ mỉ về đàn nhưng Phan Quang Minh đã bỏ ra 1.700 USD để mua đàn. Nhờ người chuyển về nhà, anh cũng chưa có thời gian để chơi mà chỉ dành cho con gái tập đàn.
Sau khi mua về được chừng 3 năm, Minh mới biết đó là đàn cổ và là loại đàn quý hiếm của Pháp. Hãng Pleyel được anh để ý vì tên hãng đàn gắn với câu chuyện cảm động của Sopanh (Frederic Chopin, 1810 - 1849), nhà soạn nhạc thiên tài Ba Lan và là người mà Phan Quang Minh ngưỡng mộ thứ hai, sau một nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức tên Johann Sebastian Bach. Khi Sopanh bị ốm nặng, không có tiền chữa bệnh đã tìm đến Pleyel vay tiền rồi đi xuống miền Nam Tây Ban Nha chữa bệnh. Trở về khi bệnh đã khỏi, Sopanh giữ đúng lời hứa với Pleyel là trả nợ dần bằng cách viết nhạc. Một thời gian sau đó, Sopanh đã viết trọn 24 bản Prelude (khúc dạo đầu) tặng hai vợ chồng của Pleyel. Những bản Prelude này sau đó đã trở thành những tác phẩm bất hủ của nhạc cổ điển. Bản thân ông Pleyel cũng là một nhạc sỹ và vợ ông chính là người chơi piano. Tên ông Pleyel sau đó được lấy làm tên hãng sản xuất đàn piano.
Anh Minh kể, trước đó, chiếc đàn này ông Hào đã bán cho người khác nhưng không hiểu sao sau đó đàn bị đem trả lại. Người mua cho rằng đàn cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích, lại không mới như đàn Yamaha nên đã đầu tư đàn mới cho hoành tráng hơn. Có vậy, anh mới may mắn có được chiếc đàn cổ quý giá này.
Phía bên trong cây đàn
Muốn con gái chơi 24 bản Prelude bằng cây đàn cổ
Quang Minh bảo, hiện cây đàn vẫn sử dụng được nhưng do tác động của thời gian, của các yếu tố ngoại cảnh nên phím không còn trơn, búa không còn êm. Tuy vậy, âm thanh của chiếc đàn cổ này rất hay, có đủ độ vang, thanh, rung, nghe âm thanh rất có hồn chứ không hề sắc và thô như những chiếc đàn dương cầm đứng. Cơ cấu đàn dương cầm, đặc biệt là những chiếc dương cầm ba chân như chiếc Pleyel này hướng tới một âm thanh mộc, âm thanh gần nhất. Một phần cũng bởi đàn dương cầm nằm này thường được đặt ở các phòng tiếp khách của giới quý tộc Pháp và đặt ở những phòng hòa nhạc không quá lớn. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất phải làm cây đàn phát ra âm thanh mộc mạc, gần gũi. Đàn được làm rất tỉ mỉ, cẩn thận.
Còn nhớ khi đến mua đàn, Quang Minh thử một vài giai điệu với cây dương cầm cổ thì cả chủ đàn là ông Hào và một vài người có mặt tại đó đều nhận xét tiếng đàn rất hay và đặc biệt. Anh cho biết sẽ phục hồi cây đàn ba chân cổ xưa này ở mức độ cao nhất rồi đặt ở một nơi trang trọng. Hơn hết, lúc nào anh cũng có một mong muốn là cô con gái của mình sẽ tập nhuần nhuyễn và chơi trọn 24 bản Prelude (gọi là khúc dạo đầu do Sopanh sáng tác mà anh rất mê) với chính cây đàn cổ này.
Anh bảo: "Ngoài mong muốn con gái chơi trọn 24 bản Prelude, tôi còn có ước mơ có được một phòng hòa nhạc riêng. Hy vọng có thể phục hồi, lên dây lại đàn dương cầm này trong thời gian sớm nhất".
Được biết, sau khi biết tung tích về cây đàn này, Trung tâm Văn hóa Pháp đã ngỏ ý muốn thuê lại nhưng Quang Minh không đồng ý.
Hiện cây đàn được đặt tại phòng làm việc của anh Minh, những người bạn của anh cũng rất ít người biết đến. Trong những chuyến công tác trong miền Nam, anh Minh cũng nhờ người tìm nhưng hầu như không có thông tin về những chiếc đàn nằm còn sót lại. Nếu có thì đàn cũng hỏng, không thể sử dụng được.
Đàn nằm của hãng Pleyel được chuyển về Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19. Thời đó, ông Yecxanh (Alexandre Yersin, 1863 - 1943), một thầy thuốc quốc tịch Pháp gốc Thụy Sĩ đã đến Việt Nam năm 1890 và đến năm 1896, ông thành lập viện Pa-xtơ Nha Trang và gắn bó với vùng đất này suốt 52 năm. Ông đã mang nhiều hạt giống cây từ Pháp về trồng ở Đà lạt. Đàn piano được chuyển từ Pháp về Việt Nam cùng với những chuyến tàu thủy chở hạt giống về.
Theo đó, những chiếc đàn này mang đến cho nước ta một luồng văn hóa mới - văn hóa Pháp. Trước đó, thủ đô Paris tráng lệ được coi là một trung tâm văn hóa lớn, một nền triết học ánh sáng. Các thế hệ người Việt đầu hầu như cũng không biết và hiểu nhiều về âm nhạc cổ điển của phương Tây. Người Pháp đến đã mang theo nhiều thứ trong đó có piano. Thời kỳ người Pháp sang cũng được coi là thời kỳ đỉnh cao của hãng sản xuất đàn Pleyel.
Đàn cổ nằm hiện nay rất hiếm, đặc biệt là những chiếc đàn có tuổi thọ hơn 100 năm. Đàn được xếp ở một thứ bậc, đẳng cấp cao hơn các loại đàn khác. Nếu đàn piano đứng chỉ có tính chất chơi, tập trong gia đình, không thể đặt ở một phòng hòa nhạc thì dương cầm ba chân lại khác. Trong kết cấu đàn còn có những khúc gang. Nhờ có tấm cộng hưởng, âm thanh của đàn vang và có thể hất ra bên ngoài. "Được nghe những âm thanh từ những chiếc đàn đặc biệt như vậy tôi đã bị cuốn hút và thuyết phục hoàn toàn, những âm thanh không thể có ở các loại đàn mới hiện nay", Quang Minh nói.
Yến Dương