Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (28 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt) cho biết: "Cây hoa loa kèn xuất hiện ở thành phố rất lâu rồi. Hiện nó trở thành một loài cây hoa khá phổ biến và quen thuộc với người dân xứ sương mù. Từ khi Đà Lạt có dự án trồng loài cây hoa này ở quanh các tuyến đường trong khu vực nội thành thì người dân chú ý đến nó. Lúc đầu, thấy hoa lớn, đẹp có màu trắng tinh khiết và màu vàng rực rỡ, tỏa mùi thơm dịu dàng vào chiều tối nên nhiều người đã đem về trồng trước nhà".
"Độc dược thôi miên" được trồng khắp nơi.
Theo ghi nhận của PV, tại TP.Đà Lạt, cây hoa loa kèn được trồng nhiều nhất tại Vườn hoa thành phố, đường Trần Quốc Toản - đoạn từ Vườn hoa thành phố đến đầu đường Đinh Tiên Hoàng, các khu triền đồi ở khu vực nội thành, quanh các điểm du lịch ở Thung lũng tình yêu, Suối vàng... Tại các khu vực này, có hàng trăm cây hoa loa kèn lớn nhỏ được trồng cách đây từ vài năm đến cả chục năm. Theo quan sát của chúng tôi, đây là loại cây thân mềm, chiều cao thân cây từ 1-5m. Hoa có chiều dài trung bình 25cm, mùi thơm nhẹ. Điều đặc biệt, tất cả các bông hoa khi nở đều cắm đầu xuống đất.
Ông Nguyễn Văn Năm (67 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt), người trồng hơn chục chậu cây hoa loa kèn làm cảnh trước sân nhà cho biết: "Từ khi người Pháp đến Đà Lạt, nơi đây đã xuất hiện loài hoa này. Hoa loa kèn có sức sống vô cùng mãnh liệt. Trước đây, trước sân nhà tôi có 1 cây hơn 10 năm tuổi. Vì xây lại nhà nên tôi phải chặt ngang gốc. Tuy nhiên, 1 thời gian sau, từ gốc cây hoa này mọc lên nhiều nhánh cây và cho ra hoa. Ngoài ra, loài cây hoa này vào mỗi buổi sáng tỏa ra mùi hương khiến mọi người thấy rất khoan khoái, dễ chịu, nhưng vào buổi tối nếu nằm bên cạnh cây hoa, tôi có cảm giác nao nao rất lạ".
Còn theo TS. Nguyễn Công Thoại thì loại cây này được trồng phổ biến tại Đà Lạt từ nhiều năm trước. Vào năm 2007, công ty Thành Văn đã phát triển một dự án trồng cây hoa loa kèn này trên đường phố. Đây là một trong những loài hoa dại đặc trưng của Đà Lạt, với đặc tính dễ sống trong mọi điều kiện thời tiết nên được trồng rất phổ biến. Có thể nói rằng cho đến nay, ở nước ta loại cây trồng này mới chỉ có một công dụng chính là làm cảnh.
Nói về khả năng chúng có thể gây độc cho người qua mùi hương, hoặc lỡ may ăn phải... TS. Nguyễn Công Thoại cho rằng: "Hoa loa kèn đã trồng phổ biến ở Đà Lạt trong một thời gian dài, nếu thực sự nó gây ra nhiều tác dụng xấu như thế thì loài cây này chắc chắn đã bị nhổ sạch ở Việt Nam. Nếu trong loài hoa này có chất gây mê thì cũng phải trải qua quá trình bào chế, chiết xuất với những công trình nghiên cứu hoành tráng, quy mô mới có thể cho ra chất này. Nếu chỉ ngửi thông thường thì không ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay hôn mê như nhiều người nghĩ".
Được nhập đi tiêu thụ nhiều tỉnh, thành trong cả nước Ngày 19/12, ghi nhận thực tế tại nhiều điểm kinh doanh cây cảnh, hoa cảnh ở TP.HCM, chúng tôi thấy thời gian qua, các điểm này thường xuyên nhập cây hoa loa kèn từ Đà Lạt bán cho người dân tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Trao đổi với PV, ông Tư Mùi, chủ điểm kinh doanh cây cảnh Kim Phát Tài (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Loài cây này khá đặc biệt nên chỉ có một số người mua. Tôi nhiều lần có hỏi mua trồng hay làm gì thì họ trả lời rằng mua để chơi thôi". |
C. Thư - T. Nguyên