Ngày 11/12, VKSND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành cáo trạng vụ án Đưa hối lộ, nhận hối lộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 86-02D (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Theo đó truy tố 2 Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 86-02D là Nguyễn Đình Nhựt và Huỳnh Tấn Tài về tội Nhận hối lộ; truy tố Lê Hữu Trác, nhân viên Trung tâm dạy nghề lái xe Thanh Long Đỏ về tội Đưa hối lộ.
Móc nối với các công ty khác để làm khống hồ sơ đăng kiểm
Theo cáo trạng, Nguyễn Đình Nhựt và Huỳnh Tấn Tài đều là Đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao và được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 86-02D.
Vào khoảng tháng 10/2020, Tài bắt đầu nảy sinh ý định nhận tiền từ những người đi đăng kiểm, với mục đích kết hợp với chủ các cơ sở thiết kế, cải tạo xe cơ giới để làm giả và hợp thức hóa hồ sơ thiết kế, cải tạo xe.
Tài đã bàn bạc và thỏa thuận với Nhựt về việc chia tiền theo tỉ lệ 50 – 50, trong đó Tài chịu trách nhiệm gợi ý và thu tiền từ các chủ phương tiện hoặc người giao xe đã được cải tạo đi đăng kiểm tại Trung tâm. Nhựt đã đồng ý với thỏa thuận này.
Vì không có chức năng thực hiện thiết kế, thi công, và cải tạo xe cơ giới, Tài đã liên hệ với Nguyễn Công Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 47-01D (tỉnh Đắk Lắk), để Nội kết nối với các công ty chuyên về thiết kế, cải tạo xe cơ giới như Công ty cổ phần Dịch vụ và Kỹ thuật Ô tô Tiên Phong, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ô tô An Bình và Công ty TNHH Thiết kế Cải tạo Xe Cơ Giới Gia Phạm. Mục đích là để các công ty này lập hồ sơ khống nhằm đáp ứng đủ thủ tục nghiệm thu cải tạo xe.
Sau đó, tùy theo tình trạng phương tiện, loại phụ kiện cải tạo và mối quan hệ quen biết, Huỳnh Tấn Tài sẽ thu từ 1 triệu đồng đến 1,9 triệu đồng mỗi phương tiện, rồi gửi hình ảnh để Nội chuyển cho các công ty thực hiện làm hồ sơ.
Từ cuối năm 2020 đến tháng 11/2022, Tài và Nhựt đã nhận tiền 86 lần, tổng cộng hơn 280 triệu đồng từ 98 lượt đưa xe đi đăng kiểm.
Qua đó, họ đã móc nối với Nguyễn Công Nội, Nguyễn Xuân Thanh và các đối tượng khác thuộc các công ty Gia Phạm, Tiên Phong, An Bình để lập khống và hợp thức hóa hồ sơ thiết kế, cải tạo xe cơ giới cho 104 lượt phương tiện.
Điều tra, xử lý các đối tượng có liên quan
Theo cáo trạng, Huỳnh Tấn Tài là người chủ mưu, cầm đầu và điều phối, móc nối để thực hiện các hoạt động phạm tội, thu lợi bất chính hơn 64 triệu đồng.
Nguyễn Đình Nhựt là đồng phạm, tiếp nhận ý chí từ Tài, ký các thủ tục liên quan để thực hiện hành vi phạm tội, và nhận lợi ích hơn 56 triệu đồng.
Bị can Lê Hữu Trác, trong quá trình đưa xe đi đăng kiểm, đã đưa hối lộ cho Huỳnh Tấn Tài 18 lần, với tổng số tiền hơn 51 triệu đồng, để Tài lập hồ sơ cải tạo, thẩm định khống cho 14 phương tiện của Trung tâm Thanh Long Đỏ và 16 phương tiện của 15 chủ phương tiện khác. Trác đã nhận lại số tiền 1,9 triệu đồng từ Tài.
Tất cả 104 phương tiện đều được Tài liên hệ để lập khống hồ sơ, với tổng số tiền hơn 160 triệu đồng đã chuyển cho bị can Nguyễn Công Nộ. Nội đã thu lợi bất chính 23,5 triệu đồng. Do hành vi phạm tội của Nội diễn ra tại tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh Bình Thuận đã chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk để điều tra, xử lý.
Còn Nguyễn Xuân Thanh đã làm khống 19 hồ sơ cho Huỳnh Tấn Tài và hưởng lợi bất chính hơn 4,7 triệu đồng. Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk để tiếp tục điều tra.
Liên quan hành vi phạm tội của các đối tượng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh khởi tố, điều tra nên ngày 25/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã chuyển toàn bộ hồ sơ có liên quan đến Cục Đăng kiểm Việt Nam đến Cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh để điều tra làm rõ.