Ổ sản xuất tân dược ngoại “rởm
Ngày 23/9, thông tin từ VKSND TP.HCM, đơn vị vừa hoàn tất cáo trạng truy tố các đối tượng Trần Thị Minh Hằng (SN 1962, ngụ quận 11, TP.HCM), Trần Hữu Đông (SN 1968, ngụ quận 11, TP.HCM, chồng Hằng), Trần Hữu Tâm (SN 1965, TP.HCM), Dương Hồng Sơn (SN 1976, quê tỉnh Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (SN 1970, quê tỉnh Bình Định) và Võ Văn Thao (SN 1977, quê tỉnh Tây Ninh) cùng về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.
Theo cáo trạng, sáng 20/9/2017, tổ công tác thuộc phòng CSĐT Tội phạm về Kinh tế - Tham nhũng Công an TP.HCM bắt quả tang đối tượng Trần Hữu Tâm đang sử dụng xe gắn máy chở hai thùng giấy chứa 230 hộp Vitamin C mang nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài, có dấu hiệu bị làm giả. Vì vậy, lực lượng chức năng đã yêu cầu Tâm dừng xe kiểm tra. Qua làm việc, Tâm khai số thuốc này là thuốc giả do vợ chồng Trần Thị Minh Hằng, Trần Hữu Đông bóc tem cũ và dán tem giả vào. Tâm có nhiệm vụ mang về đóng gói và vận chuyển ra bến xe để giao cho các nhà thuốc ở một số tỉnh miền Trung, miền Bắc tiêu thụ.
Khám xét nơi ở của Tâm, công an tiếp tục thu giữ 350 hộp tân dược giả giảm đau, kháng viêm; 253kg bao bì các loại thuốc chưa kịp tiêu thụ cùng nhiều máy móc, công cụ sản xuất thuốc giả. Theo khai nhận của Tâm, mỗi tuần, đối tượng này sản xuất 2-3 đơn hàng, mỗi đơn 100-200 hộp thuốc giả. Từ lời khai của Tâm, cơ quan công an đã nhanh chóng ra lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở của vợ chồng Hằng - Đông. Ngoài ra, các đối tượng khác trong đường dây làm giả thuốc chữa bệnh, phòng bệnh này còn có Dương Hồng Sơn; Nguyễn Đình Thanh và Võ Văn Thao cũng bị bắt giữ phục vụ công tác điều tra.
Theo hồ sơ điều tra, để có thể sản xuất hàng giả một cách trót lọt, Hằng đã phối hợp cùng với Thao thực hiện sản xuất bao bì, nhãn mác. Sau khi thuốc giả được đóng gói đẹp đẽ và dán tem gọn gàng, Đông sẽ liên hệ với một số hiệu thuốc tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên,… để tiêu thụ. Trong số các hiệu thuốc buôn bán thuốc giả tại một số tỉnh miền Trung mà Hằng phân phối, có hiệu thuốc của Dương Hồng Sơn ở tỉnh Phú Yên, Nguyễn Đình Thanh ở tỉnh Bình Định biết rất rõ Hằng sản xuất thuốc giả nhưng vẫn tiêu thụ.
Con đường “hô biến” thuốc giả thành tân dược ngoại
Tại trụ sở công an, vợ chồng Hằng - Đông khai bắt đầu sản xuất thuốc giả từ tháng 10/2016. Đầu tiên, vợ chồng Đồng - Hằng đặt hàng cho Võ Văn Thao thiết kế và in các loại tem, bao bì, hộp thuốc, giấy hướng dẫn sử dụng của các loại thuốc nhãn hiệu nước ngoài như: Becozyme, Voltaren, Laroscorbine,... Khi có bao bì các loại thuốc ngoại, Hằng và chồng mua các loại thuốc bổ, giảm đau, vitamin... tại trung tâm Dược phẩm ở quận 10. Sau đó, các đối tượng cho gỡ nhãn mác và gắn bao bì, tem giả các nhãn hiệu thuốc của nước ngoài rồi tăng giá bán lên gấp 10 lần.
Khi đã có thành phẩm, Hằng ra lệnh cho Tâm chở thuốc giả ra bến xe miền Đông gửi cho khách. Khai nhận với công an, Trần Hữu Tâm cũng cho biết, đối tượng này được Hằng thuê vận chuyển thuốc giả ra bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) hoặc ga Sài Gòn (quận 3) để giao cho Dương Hồng Sơn và Nguyễn Đình Thanh cùng một số khách hàng khác với tiền công 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Tâm còn đảm đương công việc ra chợ đầu mối thuốc mua tân dược về cho Hằng sản xuất.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Dương Hồng Sơn và Nguyễn Đình Thanh, Công an TP.HCM thu giữ một lượng lớn tân dược và vỏ thuốc, bao bì các loại. Sơn và Thanh thừa nhận có mua tân dược giả của vợ chồng Hằng và thu mua một số thuốc trôi nổi khác trên thị trường về bán kiếm lời. Khi biết được số thuốc của Hằng đều là hàng giả, Sơn và Thanh tiếp tục mua thuốc Trung Quốc và bao bì của Hằng rồi về tự đóng gói chế biến thành tân dược.
Số thuốc giả sau khi sản xuất được, Sơn và Thanh bán lại cho Hằng. Tổng số thuốc giả Hằng mua của Sơn là 1.400 hộp thuốc và của Thanh là 2000 hộp thuốc giả nhãn hiệu nước ngoài nổi tiếng. Ngoài ra, đối tượng Nguyễn Đình Thanh còn thừa nhận đã tiêu thụ 1000 hộp thuốc giả do Hằng sản xuất để bán lẻ cho người dân. Đối tượng Võ Văn Thao đã chịu trách nhiệm in cho các đối tượng trên hơn 30.000 vỏ hộp của 5 loại thuốc ngoại cao cấp.
Nói về con đường tiêu thụ số tân dược giả này, các đối tượng khai nhận thuốc giả được sản xuất đã được bán lại cho các nhà thuốc lẻ ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Tại trụ sở công an, các đối tượng đã thừa nhận số tiền lời từ việc sản xuất tân dược giả rất lớn. Vì vậy, các đối tượng đã bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng để kiếm tiền bất chính. Hằng cúi đầu khai nhận trong muộn màng: “Lúc sản xuất tân dược giả, tôi mua một số loại thuốc Việt Nam có công dụng tương tự thuốc ngoại. Sau đó, thay đổi nhãn mác, bao bì. Tôi nghĩ đơn giản, thuốc nội có công dụng cũng như thuốc ngoại nhưng lại được bán giá cao hơn nên đã làm giả, thay đổi nhãn mác để kiếm lời mà không lường trước hậu quả của nó”.