Những vật dụng này tưởng là bình thường, nhưng thực tế nó đều được ông làm từ các vật liệu lấy ra từ vũ khí của Mỹ - Ngụy.
Ông Thường có hẳn 1 bảng chi tiết nêu xuất xứ những đồ vật ông chế tạo từ vũ khí quân thù
Thợ cơ khí mê sáng chế
Những năm 1960, ông công nhân của nhà máy xe lửa Hà Nội thuộc Tổng cục đường sắt. Năm 1964, ông cùng một số người khác được Bộ Giao thông vận tải điều sang giúp nước bạn Lào trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Đơn vị ông được chuyển sang đơn vị quân đội, trở thành xưởng sửa chữa ô tô phục vụ quân đội với hơn 30 người. ông Thường được phân công làm Bí thư Chi bộ thuộc đơn vị Binh trạm 11, Cục vận tải (Tổng cục Hậu cần). Sau đó, ông là Chính trị viên của Đại đội xe 51, 53, 61 thuộc Xưởng sửa chữa ô tô tại Khăng Khay - Xiêng Khoảng (Lào).
Một trong những nhiệm vụ chính của đơn vị xe là thường xuyên đến những nơi trọng điểm để sửa chữa những xe bị hỏng, cháy do máy bay Mỹ phục kích bắn phá. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông là một lần công tác, một đồng chí cùng đơn vị vì xe bị hư hỏng đĩa ly hợp, xe không chạy được nên đã bị máy bay Mỹ ném trúng và hy sinh (Ly hợp là một bộ phận quan trọng trong động cơ, có tác dụng tách dứt khoát động cơ ra khỏi hệ thống truyền lực, nối trục khuỷu động cơ với trục hộp số khi xe bắt đầu chuyển động - PV). Sự việc là một bài học để đời cho ông và các đồng chí: Đồng đội hi sinh chỉ vì xe hư mất cái đĩa ly hợp.
"Để tưởng nhớ người bạn, người đồng chí đã cùng anh em trong đơn vị sát cánh bên nhau trong những ngày gian khó, tôi đã tháo cái đĩa ly hợp đó và cất giữ. Sau này, tôi đã chế cái đĩa ly hợp, thêm một mặt gỗ lớn đặt lên trên để làm một cái bàn cho các cháu học bài. Nó là một trong những kỷ vật đặc biệt và thiêng liêng nhất cuộc đời tôi", ông Thường chia sẻ. Từ ngày ấy, ông cũng bắt đầu mày mò tự chế các vật dụng sinh hoạt từ vũ khí quân thù.
"Sự sống nảy sinh từ cái chết"
Ông Thường cho biết, từ những vũ khí kẻ thù dùng để hủy diệt sự sống thì những người lính Cụ Hồ đã chế tạo những vật dụng thiết thực phục vụ trong sinh hoạt, chiến đấu. Từ mảnh xác máy bay, quả pháo sáng của Mỹ, quả đạn cối... đều có thể trở thành những vật dụng thiết thực cho bộ đội ta. Chúng hiện hữu, thể hiện tinh thần lạc quan và phẩm chất sáng tạo của người lính Cụ Hồ.
Một góc bộ sưu tập của ông Thường
Bộ sưu tập cá nhân của ông đã minh chứng cho lời ông nói. Tận dụng chính những mảnh xác máy bay, vỏ đạn bom, pháo sáng của Mĩ, ông đã chế tạo ra những vật dụng thiết thực hàng ngày, góp phần cải thiện đời sống nơi chiến trường như: ấm chén, bát đĩa, bếp, đèn dầu, mâm ăn cơm, khay để chén uống nước, xoong nồi, gô đựng cơm, phích nước, bình hoa... Phần lớn số vật dụng này đã được ông làm trên chiến trường, một số được ông chế lại sau này khi ông đã xuất ngũ.
Một vật dụng khác còn có ý nghĩa với cả gia đình ông là chiếc ghế làm từ xác máy bay F105. Ở chiến trường, chiếc ghế từng là một chiếc nồi quân dụng dùng để nấu ăn cho bộ đội. Ngày phục viên, chiếc nồi theo ông về quê, trở thành nồi nấu rượu nuôi lợn, giúp gia đình ông có cái ăn trong những năm khó khăn. Sau khi không dùng làm nồi nấu rượu nữa, ông đã phá ra, chế thành chiếc ghế để cho con ngồi học và sau này là các cháu của ông.
Bộ sưu tập của ông còn rất nhiều kỷ vật khác nữa như: Xoong nồi, vá (một dạng muỗng cỡ lớn), dao, nĩa, lược chải đầu, bếp nấu ăn... Tuy nhiên, một số vật dụng bắt đầu có dấu hiệu bị oxy hóa, hoen gỉ vì qua thời gian sử dụng. Bên cạnh đó, còn hàng chục kỷ vật đã bị thất lạc trong quá trình đơn vị chuyển đến nơi mới và quá trình ông chuyển công tác.
Năm nay, ông Thường đã gần 80 tuổi, có 3 con trưởng thành. Tuy nhiên, ông vẫn canh cánh một nỗi niềm là một ngày nào đó những kỷ vật về một thời đạn bom khói lửa của ông được nằm trong viện bảo tàng "những kỷ vật kháng chiến" của quân đội. "Rồi thế hệ những người tham gia chiến đấu chống giặc xâm lược cũng sẽ dần ra đi. Nhưng những kỷ vật thời chiến tranh sẽ còn lại, nhắc nhở cháu con nhớ đến một thời cha ông đã hi sinh gian khổ cho đất nước thống nhất", ông Thường nói.
Lê Quyết