Hãng thông tấn này nhận định, sáu tàu ngầm mà Việt Nam mua của Nga không giúp hải quân Việt Nam ngang ngửa với Trung Quốc, nhưng khiến Bắc Kinh dè chừng hơn trên Biển Đông, theo các chuyên gia quân sự.
Hôm 7/11 tại St. Petersburg đã diễn ra lễ ký văn bản chuyển giao tàu ngầm Kilo636 đầu tiên cho Việt Nam. Việt Nam đã đặt hàng sáu tàu ngầm lớp Kilo của Nga từ năm 2009 và dự kiến Nga sẽ bàn giao xong trước 2016.
Nó đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam sẽ có lực lượng tàu ngầm, trong bối cảnh Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thu hẹp khoảng cách
Cho đến vài năm gần đây, quân đội Việt Nam không có thương vụ mua sắm lớn nào, và vì thế “tụt hậu so với các nước Đông Nam Á,” theo Jon Grevatt, phóng viên của tạp chí quốc phòng IHS Jane's.
“Nguyên do chủ yếu là vì thiếu tiền. Kinh tế Việt Nam nay mạnh hơn và họ có thể tái đầu tư.”
Cây bút ở Bangkok ghi nhận thực tế khả năng quân sự của Việt Nam “vẫn thấp hơn nhiều” so với Trung Quốc.
“Việc mua tàu ngầm lớp Kilo, và các trang thiết bị khác cho hải quân và không quân, nhằm thu hẹp khoảng cách quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc, tăng cường an ninh và khả năng ứng phó mọi đe dọa.”
Có các dữ liệu khác nhau về số lượng tàu ngầm của Trung Quốc, nước đã xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất châu Á.
Nhưng theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện có ít nhất 5 tàu ngầm nguyên tử và 49 tàu ngầm diesel – điện (trong đó có 12 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga). Con số này cao hơn toàn bộ tàu ngầm của các nước Đông Nam Á cộng lại.
Việt Nam có một số trực thăng chống ngầm Ka-28 của Nga, nhưng đã cũ, không có khả năng phát hiện tàu ngầm.
Đầu năm nay có tin đồn hãng Lockheed Martin của Mỹ muốn bán bốn chiếc P-3C Orion cho Việt Nam.
Tuy nhiên, thương vụ này không đi đến đâu vì hệ thống phát hiện tàu ngầm trên P-3C cũng được cho là lạc hậu, trong khi hãng Mỹ không muốn Việt Nam lắp hệ thống mới hơn vào máy bay.
Thách thức
Tuy vậy, một số nhà quan sát cho rằng không nên đánh giá thấp tác động mà sáu chiếc tàu ngầm Kilo của Việt Nam gây ra cho toan tính của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước năm 2009, hải quân Trung Quốc “chưa từng phải nghĩ đến thách thức dưới biển từ Việt Nam,” theo Collin Koh Swee Lean, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
Vai trò của tàu ngầm Kilo cần được đặt trong bối cảnh Việt Nam gia tăng khả năng phong tỏa biển, với việc mua chiến đấu cơ Sukhoi, tên lửa phòng thủ Bastion, máy bay tuần tra biển…
Ông Collin Koh Swee Lean nói các vũ khí mới cho hải quân và không quân Việt Nam đặt ra “bài toán chiến lược mới” cho Trung Quốc.
"Hải quân Trung Quốc có thể biết tính năng kỹ thuật của tàu ngầm lớp Kilo vì họ cũng có chúng.”
“Nhưng cách Việt Nam sử dụng trên Biển Nam Trung Hoa chắc chắn sẽ khiến toan tính của hải quân Trung Quốc trở nên phức tạp hơn.”
Tương tự, một nhà nghiên cứu hải quân của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) ở London nói tàu ngầm không biến Việt Nam bỗng chốc ngang sức với Trung Quốc về quân sự.
Nhưng gói hàng từ Nga “lần đầu tiên cho Việt Nam khả năng phong tỏa dưới mặt biển, đặc biệt nhờ tên lửa chống hạm được trang bị,” ông Christinan Le-Miere nói.
“Nó gieo hồ nghi trong đầu giới hoạch địch quốc phòng Trung Quốc, liệu tàu của họ có luôn an toàn trên Biển Nam Trung Hoa nếu xảy ra xung đột?” ông nhận xét.
Còn không ít câu hỏi về khả năng tác chiến khi Việt Nam có đủ sáu tàu ngầm, cũng như ảnh hưởng lâu dài của chúng đối với ngân sách, bảo dưỡng và hậu cần.
Tuy vậy, triển vọng Việt Nam sẽ có thêm “quả đấm uy lực” trên biển chắc chắn sẽ cho quân đội và người dân Việt Nam thêm tự tin.
“Sẽ mất nhiều năm để đơn vị tàu ngầm phát huy đầy đủ khả năng quân sự, nhưng nó chứng tỏ Việt Nam lo ngại sự cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa và vì thế họ cố gắng đáp trả bằng một binh chủng hiện đại,” ông Richard Bitzinger, Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nói.
Tóm lại, dù không thể đạt uy lực tấn công mạnh, tàu ngầm của hải quân Việt Nam sẽ góp sức đáng kể vào phòng thủ của Việt Nam trên Biển Đông.