Thông tin gây sốc đã lan truyền nhanh chóng sau khi được một trang tin Hồng Kông đăng tải. Điều đó khiến hình ảnh Triều Tiên và nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un trong mắt quốc tế trở nên ‘ngoài sức tưởng tượng’.
Triều Tiên thông báo đã thanh trừng và xử tử Jang Song Thaek hồi tháng 12/2013, tuy nhiên không tiết lộ chi tiết về việc hành quyết người từng là nhân vật quyền lực thứ hai ở đất nước vốn nổi tiếng cô lập này.
Ông Jang Song-theak bị xét xử tại tòa án quân sự Triều Tiên.
Một số thông tin ban đầu cho biết, ông Jang Song-theak đã bị xử tử bằng súng máy, theo đúng như luật pháp Triều Tiên quy định dành cho ‘kẻ phản bội’. Tuy nhiên, một câu chuyện rùng rợn về cái chết của người đàn ông 67 tuổi đang gây xôn xao những ngày qua, được lặp đi lặp lại bởi nhiều phương tiện truyền thông trên toàn thế giới.
Trevor Powell, một kỹ sư phần mềm tại Chicago là người đầu tiên phát hiện ra các liên kết đến bài viết trên trang web Tencent Weibo. Trevor Powell sau đó đã có bài viết phân tích trên blog của mình và khẳng định: ”nguồn gốc của câu chuyện trên Wen Wei Po là từ một tweet (dòng cập nhật trạng thái) châm biếm”.
Theo bài viết của Trevor Powell, vào ngày 11/12/20113, một người dùng có nick Chois**ngho000 đã đăng tải trên tài khoản Tencent Weibo, mô tả chi tiết cách Kim Jongun xử tử ông Jang Song-thaek bằng cách vứt vào chuồng có những con chó đói.
Nội dung được đăng tải trên Tencent Weibo ngày 11/12 của nick name Chois**ngho000.
Tweet này đến thời điểm hiện tại thu hút hơn 38.000 lượt đọc và hơn 3.000 bình luận trên Tencent Weibo.
Ngày hôm sau 12/12, trang Wen Wei Po đã đăng tải một bài viết trích dẫn nội dung từ người dùng trên, kèm theo ảnh chụp màn hình bài đăng trên Tencent Weibo.
Bài viết của Wen Wei Po sau đó được báo Straits Times trích dẫn lại bằng tiếng Anh. Từ đó, câu chuyện nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện thông tin tiếng Anh chính thống và dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Thông tin gây sốc trên xuất hiện từ các hãng thông tấn lớn của Mỹ, Anh đến Ấn Độ, Nga....
Truyền thông quốc tế đồng loạt đăng tải thông tin gây sốc.
Theo Trevor Powell, nickname Chois**ngho000 có khả năng chỉ là một tài khoản bắt chước một tên gọi của Triều Tiên. Cần chú ý thêm rằng trước khi đăng tải dòng tweet gây sốc trên, vào ngày 28/11, đúng ngày Lễ Tạ ơn của Mỹ, cũng chính người dùng này đăng tải một nội dung châm biếm ông Kim Jong-un, kèm theo hình ảnh chế từ phim hoạt hình.
Trevor Powell cho rằng, thông tin gây sốc trên, thực chất chỉ là cú lừa từ một trò châm biếm trên mạng.
Trong khi đó, tờ Wen Wei Po cũng từ chối bình luận về bài viết này.
Dù vậy, nói đi cũng phải nói lại, một phần lỗi trong câu chuyện này cũng xuất phát từ việc Triều Tiên kiểm soát chặt chẽ thông tin với thế giới. Do thiếu thông tin nên nhiều câu chuyện về đất nước bí ẩn này đã bị thêu dệt và khiến người khác dễ dàng tin mà không cần nghi ngờ.
Phương Anh