Thời gian gần đây, các thông tin trên mạng xã hội được người dùng lan truyền một cách nhanh chóng. Có thể thấy chưa bao giờ người dân có thể được tiếp cận thông tin một cách dễ dàng như vậy.
Những thông tin được đăng tải thông qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Twitter... bao gồm tất cả các lĩnh vực diễn ra trong đời sống hàng ngày. Nếu như thông tin trên báo chí chính thống trước khi đến bạn đọc phải qua một khâu kiểm duyệt chặt chẽ thì mạng xã hội lại như một “thác lũ". Bất kỳ ai cũng có thể đăng tải thông tin chỉ cần có một chiếc smartphone có kết nối mạng internet là đã trở thành “người đưa tin”.
Những thông tin đó được lan tỏa một cách nhanh chóng bằng nút like, share khiến cho việc kiểm chứng gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, sự phát triển của mạng xã hội bên cạnh những tác động tích cực còn có những hạn chế cơ bản, khiến người dùng mạng lao đao, khốn đốn.
Tác động tích cực
Nếu như mạng xã hội được sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, cộng đồng. Điển hình là việc nhiều cá nhân đứng ra kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn. Thông qua những bài đăng tải, thông tin về các hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng được lan tỏa.
Hay như câu chuyện của bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) cũng là một ví dụ điển hình của việc mạng xã hội có tác động tích cực đến người xem.
Hình ảnh bác sĩ ra chợ kêu gọi quyên góp ủng hộ mổ cho một cặp song sinh đang nguy kịch, chỉ trong một thời gian ngắn, bức ảnh này đã làm lay động hàng triệu trái tim khắp cả nước. Rất nhiều nhà hảo tâm đã chuyển những số tiền ủng hộ lớn đến hỗ trợ các cháu.

Hình ảnh nhóm thiện nguyện lên với bà con huyện Mù Cang Chải được đăng tải trên mạng xã hội Facebook khiến người xem ấm lòng.
Một tác động tích cực nữa là những ngày gần đây huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng của thiên tai. Không ít người chết và mất tích, nhiều ngôi nhà bị sập hoàn toàn và cuốn trôi. Những hình ảnh hoang tàn sau cơn lũ dữ đã khiến không ít người xót xa. Lập tức, những chiến dịch hướng về Mù Cang Chải yêu thương đã được cộng đồng mạng hưởng ứng nhiệt tình.
Có thể thấy, mạng xã hội đã trở thành cầu nối để con người với con người xích lại gần nhau hơn. Cùng nhau sẻ chia những nỗi đau, nỗi mất mát lớn lao mà những gia đình vùng cao đang phải gánh chịu.
Con dao hai lưỡi
Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội mang lại. Thế nhưng, mạng xã hội cũng khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn.
Tác hại đầu tiên là về mặt thể chất, dùng máy tính hay điện thoại trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến mắt và não bộ. Không những vậy, mạng xã hội còn có tác động tiêu cực về mặt tinh thần. Bởi, những thông tin được đăng tải nhiều khi không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nhiều người tiếp nhận thông tin sai, nhận thức lệch lạc.

Mạng xã hội được coi là con dao hai lưỡi (Ảnh minh họa).
Mạng xã hội còn là cơ hội để những kẻ xấu lợi dụng tung tin đồn, tạo ra những “làn sóng” dẫn dắt đám đông theo ý mình muốn. Còn nhớ cách đây không lâu một người dùng mạng Facebook đã tung tin máy bay rơi ở sân bay Nội Bài với mục đích câu like. Thế nhưng, điều này lại đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của ngành hàng không, gây xôn xao dư luận.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vụ án tình tiền của đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga. Nếu theo dõi vụ việc này, có thể thấy phần đông dư luận đua nhau xúc phạm và phỉ báng Cao Toàn Mỹ, nhưng họ lại sẵn sàng tha thứ cho những sai phạm cả về luật pháp và đạo đức của Trương Hồ Phương Nga.
Chính sự a dua của nhiều người đã khiến cho nữ ca sĩ Tóc Tiên bức xúc chia sẻ: Có thể thương xót Phương Nga nhưng để ca ngợi và đồng cảm thì không thể.

Quan điểm khác với số đông cộng đồng mạng của ca sĩ Tóc Tiên trong vụ án "Nga - Mỹ" đã gây tranh cãi.
Sau khi đăng tải, quan điểm của nữ ca sĩ Tóc Tiên cũng đã vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi. Thế nhưng, nữ ca sĩ này cũng bày tỏ cô chỉ thấy buồn khi Phương Nga được tung hô thành anh hùng.
Có lẽ, chúng ta vẫn còn nhớ vụ việc nhầm lẫn tai hại giữa cô sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Thị Hảo và má mì 9X điều khiển đường dây mại dâm nghìn đô cùng tên. Tại thời điểm đó, Hảo đã phải chịu đựng nhiều lời dè bỉu, xúc phạm từ cư dân mạng. Những nhận định đánh giá vô căn cứ của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và việc học tập của Hảo.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin ngày nay, khiến nhiều bậc cha mẹ đứng ngồi không yên. Bởi, ngày nào cũng có hàng chục thông tin về việc trẻ em bị bắt cóc, mất tích,... từ đó dẫn tới tâm lý hoang mang, lo lắng cho cuộc sống con trẻ.
Như vậy, có thể thấy trách nhiệm của người truyền tải thông điệp là rất lớn. Nên khi đăng tải một dòng trạng thái hay một câu chuyện trên mạng xã hội, người dùng mạng nên cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ, tránh đưa tin thiếu chính xác, gây hoang mang dư luận.
Thanh Lam