Che chở cho dân làng
Làng Phú Mẫn, thị trấn Chờ, (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) có hai cây thị cổ gần 600 tuổi xanh tốt, tỏa bóng mát che chở cho làng. Người dân nơi đây coi hai cây thị cổ như báu vật của làng mà không gì có thể so sánh được.
Cụ Nguyễn Thanh Niệm (88 tuổi), mái tóc đã bạc trắng, bước đi không còn nhanh, nhưng tai và mắt vẫn còn tinh tường lắm. Nhắc đến cây thị vừa được công nhận là Cây Di sản, ánh mắt cụ vui hẳn lên. Cụ Niệm kể về "cụ thị" không biết có từ bao giờ, khi cụ sinh ra và lớn lên, cây thị đã có rồi: "Khi tôi còn nhỏ, cây thị đã sừng sững ở đó từ rất lâu rồi, cả nghìn năm tuổi, to lớn, xum xuê tỏa bóng mát che chở cho dân làng vượt qua những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. Vào những đêm khuya thanh vắng, gió mát các cụ nghe thấy những tiếng kêu rất lạ du dương như tiếng sáo phát ra tại vị trí cây thị. Nhiều người bảo do thân cây thị to lớn, um tùm, thân cây đã nhiều năm tuổi, đã bị rỗng ruột, gió thổi vào bên trong hốc cây nên có những tiếng động lạ.
Thời kỳ nước ta chống thực dân, quân Pháp sang đánh chiếm nhưng tuyệt đối không dám động chạm đến cây thị, bởi một chuyện không hay xảy ra với tên lính Pháp. Một hôm quân giặc càn qua, một tên lính đã vô lễ đi tiểu vào gốc cây thị. Quả nhiên, đi được một đoạn đường, tên lính lăn đùng ngã ngửa rồi mất mạng. Cũng từ đó, lính Pháp không bao giờ dám quay lại khu vực cây thị nữa. Nhiều người tận mắt chứng kiến vụ việc xảy ra với tên lính Pháp nên người làng càng tin rằng cây thị có điều gì đấy linh thiêng huyền bí không thể giải thích được", cụ Niệm kể.
Cây thị kỳ lạ linh ứng số người thi đỗ đại học.
Nét đẹp văn hóa trong làng "Đầu năm nay, hai cây thị của thôn Phú Mẫn đã được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, người dân nơi đây rất vui mừng và tự hào. Từ xa xưa, cây thị, ngôi đền và ngôi mộ thờ đức Thánh đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của dân làng. Mấy trăm năm qua, cây thị vẫn um tùm, che bóng mát và tỏa hương thơm ngọt ngào. Vào mùa thị chín vàng, người dân không được tự động hái quả mà phải xin phép Ngài. Số lượng quả thị có hạn nên người dân rất quý và cung kính mang về đặt lên bàn thờ để người lớn trẻ nhỏ ra vào được hít hà hương quả mong điều bình an, hạnh phúc, cuộc sống ngày càng ấm no. Đây là một nét văn hóa đẹp cần giữ gìn", ông Nguyễn Huy Phúc, Trưởng ban di tích thôn Phú Mẫn nói. |
Theo các cụ cao niên trong làng, từ thời phong kiến cho đến nay, cây thị bói được bao nhiêu quả thì đúng như năm đó trong làng có bấy nhiêu người đi thi cử sẽ đỗ đạt cao năm đó. Thời nay cũng vậy, các cháu học sinh ở làng chuẩn bị đi thi đại học, các cụ đã dự đoán được năm nay có bao nhiêu cháu đỗ đại học với điểm số cao và vào các trường đại học lớn qua việc căn cứ vào số quả thị trên cây. Năm nay, cây thị bói được 27 quả, đến thời điểm này tính cả làng có đúng 27 cháu đỗ đại học vào các trường lớn với điểm số khá cao. Còn các cháu thi đỗ trường trung cấp, cao đẳng thì không tính.
Ông Trần Thế Thử, (thủ từ đền thờ thần Quý Minh) cho biết: "Từ xa xưa, cây thị và đền thờ thần Quý Minh đại vương đã nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Xưa kia khắp vùng cùng thờ Quý Minh đại vương, nhưng chỉ ở đây mới là nơi Ngài hóa và hiện nay còn ngôi mộ của Ngài, nhân dân vẫn đến chiêm bái. Có lẽ không có địa phương nào mà cây thị lại gắn bó với dân với làng như một phần không thể thiếu trong đời sống thường nhật và đời sống tâm linh của người dân như ở nơi đây. Đặc biệt, số lượng quả thị ra mỗi năm sẽ biết được số người đỗ đạt ra sao, càng nhiều quả to thì càng nhiều người đỗ đạt cao".
Trưởng ban di tích thôn Phú Mẫn, Nguyễn Huy Phúc cho biết: "Theo thần phả, Quý Minh đại vương là một vị tướng thời Hùng Vương thứ XVIII. Khu vực này có hơn 20 địa phương cùng thờ cúng. Cây thị mọc lên ngay tại vị trí gần phần mộ Ngài. Trước đó dân làng cũng không biết cây thị có từ bao giờ nên năm trước đã mời Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam về lấy mẫu tăng trưởng của cây thị, để xác định cây bao nhiêu tuổi. Làng Phú Mẫn có hai cây thị, cây thị ở đền được xác định 573 năm, còn cây thị ở chùa là 407 năm. Cả hai cây thị ở làng đều được công nhận là cây di sản Việt Nam. Tuy nhiên, cây thị gần 600 tuổi ở đền thờ Quý Minh đại vương rất linh thiêng và như "báu vật" che chở cho làng suốt chiều dài lịch sử của làng và dân tộc".
Truyền thuyết đẹp
Nhiều người làng bảo, sở dĩ cây thị linh thiêng như có vị thần che chở cho làng cũng bởi gần gốc cây là phần mộ của Quý Minh đại vương. Hơn nữa, nơi đây còn là nơi cầu đảo của nhiều triều đại phong kiến khi đất nước gặp thiên tai, hạn hán.
Theo cụ Nguyễn Thanh Niệm, tương truyền rằng, ở vị trí Quý Minh đại vương hóa, đất đùn lên thành nấm mồ, dân làng đã xây mộ và thờ cúng Ngài. Ở khắp miền Bắc, chỉ có nơi đây được cho là có thể lập đàn tràng cầu đảo khi mùa màng thất bát do thiên tai, hạn hán. Vào thời vua Lê Lương Dục, niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516) đã sai Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm, Trưởng hàn lâm viện đến cầu đảo ở miếu Phù đổng Thiên vương. Đêm ấy Thám hoa được báo mộng rằng: "Nay nền xã tắc đang lâm tai hạn, chỉ có thần núi Hàm Sơn có một bầu nước nên đến đó cầu". Theo mộng, Thám hoa cùng tùy tùng về đền thần Quý Minh lập đàn cầu đảo, quả nhiên trời đổ mưa to. Thám hoa tự thấy rằng mộng ở miếu Phù đổng là linh ứng bèn tâu với nhà vua. Vua Lê truyền ban thưởng cho đền một trống lớn gọi là trống Sấm và năm nghìn viên gạch rồng. Trải qua mấy trăm năm đến cuối triều Lê, triều đình mục nát, Trịnh - Nguyễn tranh quyền, giặc Pháp đô hộ, mỗi khi đất nước bị thiên tai, hạn hán, nhân dân ta lại làm lễ cầu đảo và đánh trống Sấm thường được linh ứng.
Thiên Vũ