Truyền thuyết thứ nhất của người Ireland kể rằng: Vào đêm cuối cùng của năm cũ (đối với người Ireland cổ đại ngày 31/10 là ngày cuối cùng của năm cũ và ngày 1/11 là ngày đầu của năm mới) là ngày âm dương giao hòa, các linh hồn được phép quay trở lại thăm trần gian.
Theo truyền thuyết, họ tin rằng, những linh hồn xấu sẽ tìm cách nhập vào cơ thể người sống để tái sinh. Chính vì lẽ đó, vào đêm này, người dân sẽ dập tắt hết lửa để những linh hồn không thể tìm được họ, thêm nữa họ ăn mặc, trang điểm, đeo mặt nạ cực kỳ xấu xí, kinh dị, diễu hành qua các con phố, khua chiêng, gõ trống để xua đuổi.
Truyền thuyết thứ hai kể rằng: Xưa kia, ở vùng đất Ireland có một chàng trai xấu xa, keo kiệt, bủn xỉn tên là Jack. Anh ta không muốn chơi với bất cứ ai vì sợ họ nhòm ngó của cải, tiền bạc của mình, dân làng cũng chẳng ai muốn chơi với anh ta.
Jack chỉ có một người bạn là một con quỷ trông coi địa ngục, hai tên này thường chơi đùa với nhau vào những đêm trăng thanh, gió mát.
Một hôm, trong lúc con quỷ kia đang đi quấy nhiễu, phá phách làng xóm, nó bị các pháp sư bắt được và giam giữ. Jack đã phát hiện và tìm cách giải thoát cho con quỷ. Để trả ơn, con quỷ hứa sẽ không bắt linh hồn của Jack xuống địa ngục.
Khi Jack chết, linh hồn xấu xa của anh ta không được thiên đường chấp nhận, địa ngục cũng chẳng đón tiếp linh hồn của anh vì lời hứa năm xưa. Jack đành phải lang thang cô khổ trên thế gian lạnh lẽo.
Quỷ thấy tội nghiệp Jack mới lấy một quả bí ngô, lấy hết ruột, cho một ít than hồng vào trong và khoét vài cái lỗ để duy trì lửa cháy sưởi ấm cho Jack trong hành trình lang thang vô định của anh ta trên thế gian. Bên cạnh đó cũng có truyền thuyết khác nữa.
Sang đến thế kỷ XVIII, XIX, khi những người Ireland nhập cư vào Mỹ, họ đã mang theo Lễ hội này với những truyền thuyết, tập tục truyền thống của mình.
Sau một thời gian dài hòa trộn, tiếp biến và lan tỏa, Lễ hội Halloween trở thành một lễ hội đặc sắc với những trò chơi nổi tiếng như “trick or treat" (nghĩa là: Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi), “apple bobbing” (ăn táo nổi).
Với trò chơi “trick or treat”, những người tham gia trò chơi, thường là trẻ em, sẽ hóa trang thành các hình dạng ma quỷ, cầm đèn lồng quả bí ngô đi đến gõ cửa các nhà hàng xóm, láng giềng và nói “trick or treat”.
Để tránh bị chơi xấu (trick) bằng những trò đánh lừa của trẻ con, những người láng giềng thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo, trái cây và đôi khi là những đồng xu nhỏ nữa.
Đối với trò chơi ăn táo nổi “apple bobbing”, người ta cho những quả táo nổi lên trong bồn tắm hoặc chậu nước lớn, những người tham gia trò chơi phải sử dụng răng của họ để gắp các quả táo ra khỏi bồn, chậu. Ai lấy được nhiều táo hơn thì người đó sẽ thắng và nhận phần thưởng.
Với sự ảnh hưởng mạnh mẽ về văn hóa của Mỹ và các nước Tây Âu, đặc biệt là sự phổ biến của tiếng Anh, Lễ hội này dần dần du nhập vào các quốc gia và các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
Mặc dù có sự tiếp biến văn hóa khác nhau ở mỗi vùng miền, nhưng nhìn chung Lễ hội Halloween ở các nơi đều giữ được những nét cổ xưa của nó.
Thông qua Lễ hội này, người ta cũng đưa ra một số khuyến cáo cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Thứ nhất, không nên sống tham lam, ích kỷ như chàng Jack và không nên chơi với kẻ xấu để rồi khi chết đi không nơi nương tựa, phải phiêu bạt nhân gian; Thứ hai, khi sống cần phải có hàng xóm, láng giềng, phải có niềm tin vào cuộc sống, tôn kính tổ tiên và các tiền nhân; Thứ ba, cuộc sống là một vòng tuần hoàn, luôn có sự cho đi và nhận lại, chúng ta cần phải cho đi để được nhận lại …
Trịnh Cao Khải
Xem thêm >> Vì sao lễ ăn hỏi, lễ cưới thường có bánh giầy?