Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, bên cạnh rất nhiều sĩ tử phấn khởi, tự tin vì đề thi nhìn chung không quá khó, vẫn có không ít thí sinh chưa thực sự hài lòng với bài làm của mình. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn TS. Huỳnh Anh Bình, chuyên gia tâm lý, Giám đốc trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM về chuyện phụ huynh sẽ xử sự với con như thế nào khi biết con làm bài không tốt.
PV: Thưa ông, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã kết thúc. Để giúp con lựa chọn sáng suốt hơn trong việc chọn ngành, chọn trường, phụ huynh nên chuẩn bị tâm lý, định hướng như thế nào cho con?
TS. Huỳnh Anh Bình: Tôi được biết, kỳ thi năm nay diễn ra khá thuận lợi, suôn sẻ, đề thi được đánh giá là phù hợp với nội dung các em đã học và ôn tập, nhưng để đạt kết quả cao, đòi hỏi thí sinh phải có sự sáng tạo, kiến thức vững vàng.
Tôi cho rằng, sau khi thi, tất cả phụ huynh đều mong muốn con mình đạt kết quả thi cao nhất. Tuy nhiên, nhiều em làm bài thi có kết quả không như mong muốn. Theo tôi, sau khi thi xong, phụ huynh phải xác lập được quan điểm rõ ràng là con mình cũng đã cố gắng hết sức để làm bài, chẳng mong có kết quả không như ý mình.
Kỳ thi cũng đã qua rồi và sẽ không thể thay đổi được, mọi thắc mắc về chuyện con thi không tốt chỉ làm con thêm mệt mỏi. Vấn đề quan trọng là phải làm sao cho con mình đạt được mục tiêu cao nhất sau kỳ thi, tức là chọn đúng nguyện vọng mình đăng ký vào trường đại học, cao đẳng hay trung cấp nào đó để học. Có thể phụ huynh chưa biết sự thay đổi về kỳ thi năm nay, chỉ cần thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT thì sẽ có nhiều cánh cửa cho thí sinh vào các trường đại học.
PV: Vậy theo ông, phụ huynh phải làm thế nào để hướng con chọn nguyện vọng tốt nhất khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017?
TS. Huỳnh Anh Bình: Đến ngày 7/7, bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Lúc đó, thí sinh sẽ có kết quả chính xác để chọn trường, chọn ngành học.
Tôi cho rằng, sau khi thi tốt nghiệp THPT là thời điểm thí sinh rất cần sự chăm sóc về mặt tinh thần. Lúc này, phụ huynh cần phải ở bên cạnh con, động viên con, đóng vai trò như người bạn của con, để con có thể chia sẻ bất kỳ vấn đề gì liên quan đến việc tuyển sinh sắp tới.
Cánh cửa đại học rất lớn, việc học ngành nào, trường nào đòi hỏi phụ huynh cùng con bàn bạc, giải quyết. Nếu tạo áp lực cho các em sẽ khiến tình hình gia đình thêm căng thẳng, dễ phát sinh mâu thuẫn. Từ đó, tâm lý của các em không ổn trong việc chọn ngành học, chọn trường phù hợp cho mình.
PV: Ông khuyến cáo như thế nào khi có tình trạng một số phụ huynh hay so sánh kết quả thi của con mình với những bạn học cùng trang lứa, cùng trường, lớp của con?
TS. Huỳnh Anh Bình: Việc so sánh kết quả thi cũng như kết quả học tập, trúng tuyển, tôi cho là rất khập khiễng và cũng là điều tối kỵ với phụ huynh. Bởi kết quả thi, kết quả học tập để đánh giá trình độ, năng lực học tập rèn luyện của con em mình trong suốt quá trình học. Mỗi thí sinh có năng khiếu, cũng như khả năng tiếp nhận thông tin khác nhau, từ đó cho kết quả học tập, thi cử khác nhau. Hơn nữa, việc so sánh sẽ khiến các em tự ti, mặc cảm hơn trong cuộc sống.
PV: Theo ông, để động viên con tốt sau kỳ thi, phụ huynh nên làm gì?
TS. Huỳnh Anh Bình: Việc duy nhất sau kỳ thi là tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho con thông qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ, có thể cho con giải lao sau kỳ thi bằng nhiều hình thức khác nhau mà con muốn, có thể đi xem ca nhạc, xem phim, du lịch hay đi ăn uống... Việc này tùy vào điều kiện hoàn cảnh từng gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn phải tích cực theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để giúp con nắm bắt thông tin kịp thời, nhanh nhạy và hỗ trợ con chọn được ngành phù hợp nhất với năng khiếu, đam mê của con.
Phụ huynh phải tạo cho các em sự tự tin, thoải mái, vô tư nhất để có sự lựa chọn sáng suốt. Tối kỵ là đừng la mắng, so sánh các em khi có kết quả thi không tốt dẫn tới sự hoang mang, lo lắng, lâu ngày trở nên trầm cảm.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lành Nguyễn
>>> Xem toàn bộ thông tin về Kỳ thi THPT Quốc gia 2017