Trong chương trình "Trở về ký ức" số mới nhất của VTV đã chia sẻ rất nhiều thông tin quan trọng về khả năng thực sự của các nhà ngoại cảm. Trong số đó có cả nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Thị Bích Hằng đã được phơi trần sự thật.
Theo chương trình, rất nhiều thân nhân, gia đình của các liệt sĩ đã nhận nhầm xương động vật thành xương của người đã khuất.
Theo cục Người có công (Viện pháp y quân đội) thì trong một vụ giả mạo xương các liệt sĩ thì gần như 100% các mẫu xương tìm theo lời của nhà ngoại cảm mang đến giám định đều cho kết quả sai. 2-5% số xương mang đến không phải xương người. Với các trường hợp do thân nhân tự mang đến xét nghiệm cũng cho các kết quả sai khá cao.
TS Vũ Thế Khanh.
Đáng chú ý là vụ giám định phát hiện xương động vật được coi là xương liệt sĩ đau xót nhất diễn ra vào tháng 9 năm 2009.
Liệt sĩ Phùng Chí Kiên, một bậc tiền bối, Ủy viên trung ương đảng năm 1935, người đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm tướng.
Đồng chí hy sinh năm 1941, bị Pháp tra tấn và chặt đầu treo để thị uy. Năm 1990, phần thân thể của tướng Kiên đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ, còn phần thủ cấp, Bộ Quốc phòng và gia đình đã nhờ đến nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng chỉ giúp.
Sau giám định, thứ mà bà Hằng nói là hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật.
Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA) cho biết, Phan Thị Bích Hằng là nhà ngoại cảm có năng lực, đã được khảo nghiệm và có thời gian công tác lâu năm.
"Phan Thị Bích Hằng là người làm công việc ngoại cảm tương đối sớm, cùng với nhiều nhà ngoại cảm khác như bác Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên... Hằng là nhà ngoại cảm có năng lực, đã được khảo nghiệm và được tặng giải thưởng Huyền Thông dành cho các nhà ngoại cảm đã tìm được trên 1.000 thông tin về mộ liệt sỹ thất lạc.
Thực ra Hằng là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tìm hài cốt của nhà văn, liệt sỹ Nam Cao. Hiện nay tóc và viên đạn trong hộp sọ của nhà văn đã được giám định bởi Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), kết quả chính xác 100%. Và còn rất nhiều lần tìm kiếm khác cũng chính xác như tìm hài cốt của em gái nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương....
Đó là sự kỳ công, chứ không phải là đơn giản. Vậy thì không thể vì một cái ví dụ sai mà có thể phủ định tất cả bằng 0% những việc tìm kiếm đã nhận được kết quả chính xác trước đó được.
Giả sử những vụ tìm đúng sau đó mà bảo 100% là đúng thì cũng không được ...", TS Khanh nói.
Cũng theo TS Khanh, thực tế qua quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm thì độ chính xác của các nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng đạt được 60 - 70% là tối đa.
"Với những nhà ngoại cảm chúng tôi đã khảo nghiệm, nghiên cứu như Phan Thị Bích Hằng và công bố độ chính xác đạt được 60 - 70% là tối đa. Còn việc sai 30 - 40% không có nghĩa là người ta có tội.
Bởi nếu như lừa đảo thì có tội còn ở đây chuyên môn người ta chỉ có thế thôi. Vì thế ở đây, phải biết lợi dụng chuyên môn đó và kết hợp thêm với các phương pháp khác để thẩm định, khử bớt những sai số đó đi. Ngay cả đến máy giám định gen đôi khi cũng vẫn còn sai.
Ở đây, khi các gia đình muốn tìm kiếm thân nhân thì phải đăng ký và trên cơ sở đó chúng tôi sẽ quay, ghi chép toàn bộ các nội dung. Các nhà ngoại cảm sẽ không được cung cấp bất cứ thông tin gì và chúng tôi sẽ ngồi ghi chép, quay băng lại lời nói của họ để làm đối chứng, tránh sự lừa dối, bịa đặt thông tin. Tuy nhiên, việc này đều được thực hiện kín để người nhà có thể thoải mái trò chuyện... Các thông tin sẽ được kiểm định bởi một nhà ngoại cảm khác.
Sau khi thực tế hiện trường, các mẫu sẽ được gửi đến Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) kiểm tra và sau cùng, khi đã có kết luận thì tiếp tục sẽ được giao lưu lại với người thân để kết quả chính xác nhất...", ông Khanh cho hay.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Ông Khanh cũng bày tỏ, những phát ngôn từ một vụ việc mà đã cho rằng "vạch mặt" Phan Thị Bích Hằng lừa đảo, hay độ chính xác gần như bằng không là vội vàng, thể hiện sự thiếu trách nhiệm.
"Người phát ngôn về Phan Thị Bích Hằng trên VTV đưa như vậy là vội vàng, thể hiện sự thiếu trách nhiệm. Người đưa các thông tin đó cũng không trực tiếp tham gia và việc đưa chu trình thực hiện như vậy cũng không đúng.
Ví dụ khi lấy mẫu một vụ tai nạn giao thông, anh phải lấy được một mẫu điển hình. Nếu ở đó có cả cát, cả đá, cả sỏi hay cục gỗ, cục đất... mà cứ thế mang về thì đâu có được. Và nếu tìm mẫu sai thì người ta phải tiếp tục giao lưu, kiểm tra lại vì nếu như trong số đó vẫn có hài cốt thật thì sao?...
Thêm vào đó, nếu từ một vụ việc mà đã nói là "vạch mặt" hay lừa đảo, chính xác bằng không thì khác gì phủ sạch toàn bộ công sức trước đây của người ta. Không thể như thế được, nói như vậy rõ ràng là sự vô trách nhiệm.
Ở đây, tôi cũng xin nói rằng, với người liệt sĩ trở về thì rõ ràng giấy báo tử là bằng không, tức là sai. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào một hai trường hợp đó rồi cho rằng, toàn bộ giấy báo tử là số không thì rõ ràng là có tội với hàng triệu liệt sĩ, gia đình, thân nhân của họ...
Nhà ngoại cảm cũng như máy giám định vậy, đều có xác suất và việc của chúng ta là phải tận dụng cái đúng, đồng thời hạn chế cái sai số đó đi...", ông Khanh nhấn mạnh.
Ông Khanh cũng cho hay, việc tìm phần mộ của Liệt sĩ Phùng Chí Kiên, Liên hiệp hội không tham gia nhưng không phải vậy mà có thể "nói sai, nói bậy như vậy được".
Cùng với đó, theo ông Khanh, cách đây chừng 2 năm, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã tuyên bố "giải nghệ" và hiện nay, bà Hằng đang không ở Hà Nội.
Cũng trong chiều 24/10, khi chúng tôi liên lạc vào số máy cầm tay của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng thì bà tắt máy.
Theo Tri thức trẻ