Theo khoản 2 điều 3 Luật thi đua khen thưởng 2003: "Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Và theo nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thi đua khen thưởng, tại khoản 3, điều 13 quy định: "khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất. Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải đảm nhiệm".
Việc tìm ra nghi phạm gây án có phải là thành tích đạt được ngoài nhiệm vụ của lực lượng phá án hay không mà phải khen thưởng đột xuất? TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội) cho rằng các lực lượng phá án chỉ nên được khen thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, cứu được nạn nhân, còn nếu vất vả thì cần được động viên, bồi dưỡng.
TS Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Là một công dân tôi thêm một lần thất vọng vì những chương trình phòng chống bạo lực xã hội, đặc biệt là bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái dường như mới chỉ là ý chí thể hiện qua những khẩu hiệu hơn là những hành động thiết thực.
Tôi mong muốn cái chểt đau đớn và oan khuất của cô gái Điện Biên sẽ làm thức tỉnh tất cả những người đang sống, từ những người thực thi pháp luật, những người đưa tin và cả cộng đồng. Tôi trông đợi sự ân hận sẽ làm những người cần mẫn cán phải mẫn cán hơn; những người đưa tin sẽ đưa tin một cách nhân văn hơn; cộng đồng sẽ có trách nhiệm hơn và cảnh giác hơn để phụ nữ và trẻ em gái ở đất nước này có thể sống bình an.”
Nguyễn Quốc