Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đã báo điểm chuẩn. Trong bức tranh sinh động của mùa tuyển sinh năm nay, 30 điểm vẫn trượt đại học là câu chuyện khiến nhiều người "dở khóc dở cười".
Bên cạnh đó, điểm thi cao, điểm chuẩn vượt so với tư vấn, chính sách cộng điểm ưu tiên nhiều bất cập cũng là những thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhìn chung, điểm chuẩn của các trường đều rất cao. Thống kê từ các trường đã công bố cho thấy, điểm chuẩn năm nay tăng từ 1 - 6 điểm so với năm 2016 và mức điểm chuẩn chênh lệch giữa năm trước và năm sau lớn nhất từ trước tới nay (thường chỉ ở mức từ 1 - 3 điểm).
Đặc biệt đối với những trường khối ngành công an, quân đội “cánh cửa” với thí sinh càng thấp hơn do chỉ tiêu ít hơn một nửa so với năm ngoái.
Ví dụ, điểm chuẩn cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh của HV Công an nhân dân với mức 30,5 điểm dành cho thí sinh nữ ở khối D01 (3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ). Dù điểm chuẩn rất cao nhưng ở nhiều ngành, thí sinh thậm chí còn phải đáp ứng tiêu chí phụ mới đủ điểm đỗ vào trường.
Mặc dù đạt điểm 29,25 (Toán 9,4, Hóa 9,75, Sinh 10), vừa đủ chuẩn đầu vào của ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội nhưng thí sinh Nguyễn Phùng H. (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn ngậm ngùi chia tay giấc mộng vào trường này vì tiêu chí phụ. Theo đó, tiêu chí phụ gồm 4 ưu tiên, trong đó ưu tiên 1 là điểm xét tuyển chưa làm tròn 29,2.
Một nguyên nhân quan trọng nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy là do đề thi năm nay quá dễ, nên thí sinh đạt điểm rất cao. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có tới 4.200 điểm 10, gấp 60 lần so với năm học 2016. Chính vì thế, các trường tuyển được thí sinh điểm cao chưa chắc chất lượng sinh viên đã cao. Đây là bất cập trong tuyển sinh đại học năm nay.
TS. Lê Viết Khuyến đưa ra quan điểm của mình: “Điểm cao là do đề. Mọi năm ra đề tự luận, chấm điểm theo tự luận làm gì có chuyện điểm cao như vậy. Năm nay, thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên xuất hiện cơn "bão" điểm 10; từ đó dẫn đến cái khó trong việc tuyển sinh ở những trường top trên. Thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt, tôi thực sự lo ngại.
Đề thi năm nay không phân hóa được thí sinh. Kết quả một kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia chỉ thích hợp với những trường top giữa. Còn những trường top trên nên tổ chức thi riêng để đảm bảo công bằng cho thí sinh”.
“Cách thức tổ chức có thể là từ điểm tốt nghiệp THPT, các trường top trên chọn ra số lượng thí sinh nhất định, sau đó tổ chức sát hạch để tìm những em đạt yêu cầu, đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường. Làm như vậy, sẽ tìm được những thí sinh thực sự có năng lực và không để xảy ra chuyện 30 điểm vẫn trượt”, ông Khuyến nói.
Năm nay, sau khi nhiều trường báo điểm chuẩn, các thí sinh khu vực 3 bắt đầu than thở vì thi được trên 29 điểm vẫn trượt. Thậm chí, với mức điểm chuẩn năm nay, nếu có đạt 30 điểm tuyệt đối 3 môn đi chăng nữa, học sinh thành phố vẫn “không có cửa” vào học một số chuyên ngành.
Về vấn đề này, ông Khuyến cho rằng: “Điểm cộng thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với con em vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, người có công… Tuy nhiên, theo tôi nên tổ chức riêng một kỳ thi cho những thí sinh đăng ký ở trường top trên, điểm cộng sẽ áp dụng thi tốt nghiệp (tạm gọi là sơ khảo–PV). Còn khi thi riêng đối với những thí sinh chọn những trường top trên (chung khảo–PV) không áp dụng điểm cộng.
Tại các kỳ thi quốc tế như Olympic, người ta có áp dụng tính điểm cộng cho những quốc gia trung bình và kém phát triển đâu?”.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) nói: “Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì không phải là biểu hiện của sự công bằng. Áp dụng quy định như nhau dẫn đến kết quả chênh lệch trong quá trình thực hiện cũng không phải đã đạt được sự công bằng.
Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi… và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng. Chỉ khi nào có trải nghiệm cuộc sống ở những vùng khó khăn, chúng ta mới cảm nhận được sự cần thiết của chính sách này. Tất nhiên, chính sách ưu tiên cũng không phải là bất di bất dịch, có thể thay đổi khi các điều kiện chênh lệch đã được thay đổi”.
Công Luân