Mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau nhưng cùng chung một chính sách xử lý là điều chưa thật hợp lý
-
Có ý kiến đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với nhiều tội danh, trong đó có cả tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Quan điểm của ông thế nào?
- Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy hiện đang được ghép cùng với tội mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy tại Điều 194 BLHS. Khoản 4 Điều 194 quy định khung hình phạt cao nhất là tử hình đối với một số trường hợp phạm tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.
Thực tiễn thi hành BLHS cho thấy, trong những năm gần đây,
án tử hình chủ yếu được áp dụng đối với trường hợp phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng các hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy nghiêm trọng diễn ra trong thời gian qua chủ yếu vẫn là để phục vụ hoặc có liên quan đến việc mua bán trái phép chất ma túy.
TS Trịnh Tiến Việt
Trên thực tế, nói chung những đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy chủ yếu là người nghèo, người làm thuê, nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế nhưng khi bị bắt giữ đều phải chịu trách nhiệm tại những khung hình phạt cao, kể cả tử hình. Hơn nữa, tội phạm được quy định tại Điều 194 BLHS là tội phạm kép gồm nhiều hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau nhưng lại cùng chung một chính sách xử lý là điều bất hợp lý.
Vì vậy, chúng tôi tán thành với nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp đã đề xuất là nên tách riêng hành vi mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy và ghép vào Điều 193 về tội sản xuất trái phép chất ma túy để có cùng chính sách xử lý phù hợp, đồng thời nên bỏ hình phạt tử hình tại Điều 194 BLHS đối với tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Tội hiếp dâm trẻ em: vẫn cần thiết duy trì hình phạt tử hình
- Một số loại tội phạm dù có khung hình phạt cao nhất là tử hình (như tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh hay tội đầu hàng địch) nhưng thực tế rất ít xử, và cũng không nhiều án tử hình được tuyên?
- Theo chúng tôi, các loại tội phạm nói trên cũng nên bỏ hình phạt tử hình mà cao nhất là phạt tù chung thân là đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm. Ví dụ như tội chống mệnh lệnh hay tội đầu hàng địch đều là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng các hậu quả mà hành vi phạm tội của họ gây ra sau đó có thể không nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội.
Thậm chí có trường hợp khi thực hiện các hành vi này, bản thân người phạm tội chưa hình dung được hết những hậu quả mà hành vi phạm tội của mình có thể gây ra. Trong trường hợp chứng minh được các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đó nằm trong ý muốn chủ quan của người phạm tội thì có thể hành vi phạm tội của họ đã vượt ra ngoài phạm vi tội chống mệnh lệnh hoặc tội đầu hàng địch. Khi đó sẽ kết hợp xử lý về các tội phạm khác có liên quan
Hơn nữa, xét về khía cạnh tâm lý, trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, cận kề sinh-tử, giữa cái sống và cái chết con người có thể có những phút giây sợ sệt, hèn nhát, nếu được mở thêm một con đường sống mà không phải tử hình thì bản thân người đó có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, góp phần hạn chế được hậu quả lớn hơn có thể xảy ra. Vì thế, chỉ nên quy định hình phạt tử hình đối với tội phạm này trong thời chiến, còn thời bình có lẽ không cần thiết. Đây cũng là đề xuất của Nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp.
- Ý kiến của ông thế nào về đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ ?
- Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì việc bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội phạm này trong thời điểm hiện nay là chưa thích hợp. Hơn nữa, diễn biến tình hình các tội phạm này rất phức tạp, là quốc nạn. Tội phạm về tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, do đó cần thiết phải giữ hình phạt tử hình mới đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm. Ngoài ra, chúng ta đã tăng cường đấu tranh phòng, chống, có chính sách động viên, khuyến khích và giảm nhẹ cho người phạm tội đưa hối lộ bằng việc bỏ hình phạt tử hình đối với người phạm tội đưa hối lộ trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2009 trước đó.
- Xin cảm ơn ông!
Theo
Pháp luật Việt Nam