TS. Nguyễn Đức Kiên: Kinh tế 2018 sẽ có nhiều lực đẩy!

TS. Nguyễn Đức Kiên: Kinh tế 2018 sẽ có nhiều lực đẩy!

Nguyễn Thị Hà

Nguyễn Thị Hà

Thứ 3, 13/02/2018 09:00

Năm 2017 khép lại với thắng lợi của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện tăng trưởng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,81%, cao hơn mục tiêu 6,7%. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ trở lại đây. Kỷ lục tăng trưởng được cho là nhờ vào cú lội ngược dòng của nền kinh tế nửa cuối năm, vượt mọi dự đoán.

PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về những dấu ấn năm qua cũng như triển vọng mở ra cho nền kinh tế năm 2018.

Tài chính - Ngân hàng - TS. Nguyễn Đức Kiên: Kinh tế 2018 sẽ có nhiều lực đẩy!

TS. Nguyễn Đức Kiên.

- PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017?

TS.Nguyễn Đức Kiên: Trước hết phải khẳng định, đây là kết quả thần kỳ nếu nhìn lại từ thời điểm đầu năm 2017. Nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt trong quý III và quý IV. Cụ thể, quý I chỉ đạt 5,15%, sang đến quý II có khá hơn thì đạt 6,28%, nhưng đến quý III con số đã tăng lên 7,46% và quý IV tăng đến 7,65%.

Không riêng năm nay, mọi năm nền kinh tế Việt Nam đều tăng trưởng tốt vào nửa cuối năm, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng chung của cả năm. Tuy nhiên, biên độ chênh lệch lớn giữa các quý là điều khác biệt tạo độ bật nhảy của GDP năm nay.

Các báo cáo của Chính phủ đều cho thấy những yếu tố tăng trưởng cao được định hình ở một số nhóm ngành và lĩnh vực cơ bản như khối doanh nghiệp FDI, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó không thể loại trừ yếu tố môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, niềm tin của người tiêu dùng tăng lên giúp thúc đẩy chỉ số của tổng tiêu dùng nội địa.

- PV: Năm 2018, động lực nào sẽ là gia tốc tăng trưởng tiếp theo, thưa ông?

TS.Nguyễn Đức Kiên: Với đà tăng trưởng như trên, năm 2018 chúng ta hoàn toàn có khả năng giữ được tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,7%. Ngoài ra, Việt Nam còn có điều kiện khắc phục được những tồn tại hiện nay như cải cách tiền lương, nâng cao cơ bản đời sống nhân dân và có nhiều dư địa ngân sách để điều chỉnh chính sách thuế.

Tôi cũng kỳ vọng tỉ trọng đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào tổng thu nhập quốc nội sẽ giảm xuống, thay vào đó là sự trỗi dậy của các doanh nghiệp Việt, kể cả khối tư nhân và Nhà nước. Để làm được điều đó, chúng ta phải tạo ra sự bình đẳng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua có nói đến việc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước để họ tận dụng cơ hội, tiếp cận thị trường và phát triển. Tôi nghĩ, việc của các doanh nghiệp là làm sao phải nâng cao năng lực, tạo được thế đối trọng với các doanh nghiệp FDI như Samsung, Formosa... Đừng trông chờ và đòi hỏi được phân biệt đối xử để tạo ra sự tăng trưởng của doanh nghiệp Việt.

Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân cũng có những bước phát triển ngoạn mục, nhưng so với các nước trong khu vực thì chưa đạt yêu cầu, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể hiện được yếu tố sáng tạo. Trong 5 yếu tố cơ bản để làm tiền đề tăng trưởng là Chiến lược kinh doanh, Quản trị doanh nghiệp, Ứng dụng khoa học - công nghệ, Quản lý lao động và Đào tạo nguồn nhân lực thì doanh nghiệp Việt mới chỉ đạt 1 yếu tố là Chiến lược kinh doanh.

Nhất là các doanh nghiệp start-up, họ còn yếu rất nhiều mặt để bước ra được thương trường, chứ chưa nói đến cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI hay các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào Việt Nam.

Tài chính - Ngân hàng - TS. Nguyễn Đức Kiên: Kinh tế 2018 sẽ có nhiều lực đẩy! (Hình 2).

TS. Nguyễn Đức Kiên trả lời phỏng vấn báo Người Đưa Tin tại tòa nhà Quốc hội.

- PV: Theo ông, những sự kiện kinh tế nổi bật nào đã tác động lớn đến đời sống nhân dân Việt Nam trong năm qua?

TS.Nguyễn Đức Kiên: Thứ nhất, lần đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ đã hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển KT-XH do Quốc hội đề ra, tăng trưởng GDP đạt kết quả ngoạn mục như đã nói ở trên.

Thứ hai, chúng ta đã tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017. Với tuyên bố chung cấp cao khẳng định khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại đầu tư, tiếp tục là động lực tăng trưởng bền vững, bao trùm, ủng hộ tiến trình toàn cầu hóa.

Trong hai tuần diễn ra APEC, hình ảnh con người Việt Nam, những địa danh nổi tiếng tràn ngập trên khắp các phương tiện truyền thông thế giới mà hoàn toàn miễn phí như BBC, Reuters... Đây là một cơ hội hiếm có để quảng bá tiềm năng phát triển của Việt Nam với 93 triệu dân, chính sách mở cửa và thu hút đầu tư...

Thứ ba, Chính phủ áp dụng lộ trình tăng giá dịch vụ đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, than, điện, dịch vụ y tế, giáo dục... Điều này đã tác động đáng kể đến đời sống nhân dân năm qua, nhưng hầu hết người dân đều chưa cảm nhận được sự thay đổi hiệu quả của chất lượng dịch vụ so với số tiền bỏ ra.

Những biến động giá cả của các mặt hàng thiết yếu đều rất nhạy cảm đối với người dân. Gần đây nhất, bộ Công Thương được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng giá điện 6,08% kể từ đầu tháng 12, hay đề xuất  tăng thuế VAT từ 10% lên 12% của bộ Tài chính cũng trở thành những vấn đề nóng của dư luận trong năm qua.

Thứ tư, đó là BOT - từ khóa nóng nhất trên các diễn đàn kinh tế năm 2017. Hình thức đối tác công tư (PPP) hay các dự án BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, dù thời gian qua gặp một số bất cập, song đây vẫn là hình thức ưu việt để phát triển cơ sở hạ tầng. Nếu không có BOT thì lấy đâu ra tiền làm cầu đường, khi ngân sách Nhà nước đang rất hạn hẹp.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!        

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.