TS Nguyễn Tùng Lâm: 'Vào đại học chưa phải là thành công'

TS Nguyễn Tùng Lâm: 'Vào đại học chưa phải là thành công'

Thứ 4, 14/08/2013 11:49

Từng nổi danh vì không ngại tuyển những học sinh có "thành tích đặc biệt" vào trường, TS. Tùng Lâm rút ra chiêm nghiệm, càng những em có "lý lịch đáng nể" càng cần được giáo dục. Điều quan trọng nhất là định hướng và lắng nghe nguyện vọng của các em, không đỗ ĐH thì học CĐ, trung cấp, ĐH chưa bao giờ là cánh cửa duy nhất.

PV báo Nguoiduatin.vn có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) về quan niệm "Bằng đại học là chìa khóa để thành công". 

Sau mỗi kỳ "vượt vũ môn", xã hội lại thêm một lần đau đầu về việc sĩ tử rơi vào trạng thái trầm cảm, nghĩ quẩn, thậm chí tìm đến cái chết do không đỗ ĐH. TS. nhìn nhận thế nào về thực tế này?

Theo như công bố của bộ GD&ĐT, với mức điểm tương đương năm 2012, gần 4.000 thí sinh đã trượt đại học. Năm nào cũng vậy, tỷ lệ trượt cũng gấp nhiều lần đỗ. Tôi cho rằng, chúng ta phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đón nhận dư âm hậu các kỳ thi, có thể thi tốt nghiệp hoặc đại học.

Đại học không phải là tất cả, nó chỉ giúp con đường bằng phẳng hơn chứ không phải cánh cửa duy nhất. Nhiều khi chúng ta phải chấp nhận thất bại lúc này để đạt đến những thành công khác. Các em phải nghĩ rằng, thất bại trước mắt là những bài học cho chặng đường sau này, con đường tương lai chưa hoàn toàn đóng lại. Có không ít dẫn chứng, sinh viên đang học kinh tế hay ngoại thương đã sẵn sàng bỏ học để chọn con đường phù hợp với mình.

Xã hội - TS Nguyễn Tùng Lâm: 'Vào đại học chưa phải là thành công'

TS. Nguyễn Tùng Lâm

Có phải chính tâm lý coi trọng tấm bằng đại học đã tạo áp lực lớn lên các bạn trẻ khiến họ thất vọng về bản thân và có những hành động dại dột khi thấy cánh cổng đại học khép lại trước mắt, thưa TS.?

Trượt ĐH chắc chắn sẽ không thể vui vẻ, nhưng điều quan trọng là bước tiếp sẽ thế nào. Nếu đủ kiến thức, năm sau có thể thi lại, nếu thấy không đủ năng lực sẵn sàng chọn con đường khác. Đừng âu sầu, than vãn hay nghĩ quẩn vì nó chẳng mang lại ích lợi gì cho bản thân và gia đình. Mổ xẻ căn nguyên của hiện tượng này chính là do tâm lý sính bằng cấp đang đè nặng lên môi trường xã hội hiện nay.

Xã hội chạy theo bằng cấp, gia đình ép con cái phải học ngày học đêm để đạt bằng được tấm bằng ĐH đang là gánh nặng ghê gớm với các em. Một số vụ việc các em phát điên, tự tử do trượt đại học cũng là sự cảnh báo cho cuộc sống có quá nhiều áp lực, đồng thời là bài học nhắc nhở các bậc phụ huynh không nên gây sức ép quá lớn cho con em trong việc học hành, thi cử.

Nhiều người thắc mắc tại sao trường Đinh Tiên Hoàng lại đủ "dũng khí" để nhận những học sinh có lý lịch đáng nể như bị đuổi học, chơi bời, phá phách... thậm chí còn từng bị dính dáng đến pháp luật. TS. có "bí quyết" gì để đào tạo những học sinh cá biệt này?

Tôi cho rằng, càng những em có đạo đức, kiến thức chưa tốt lại càng cần được giáo dục nhiều hơn. Bản thân cách giáo dục cũng phải khác vì học lực của các em không giỏi, tỷ lệ các em đậu đại học thấp. Để các em lựa chọn đúng con đường mình đi rất cần sự lắng nghe và định hướng của người thầy. Tất cả các học sinh từ cuối năm học lớp 11, đầu học kỳ 1 lớp 12 sẽ được tư vấn về nghề nghiệp.

Dựa trên nguyện vọng của các em, nhà tư vấn sẽ xem sự lựa chọn của các em đã phù hợp chưa, các em còn có mục tiêu nào khác và ngược lại các em có thắc mắc gì, từ đó đưa ra tư vấn cụ thể. Cách thức này đã được triển khai từ vài năm nay và rất có hiệu quả.

Nhiều em tự nhận thấy không đủ trình độ thi đại học thì chuyển sang thi cao đẳng, trung cấp, có em mạnh dạn đi học nghề và ra kinh doanh ngay. Sau đó, nhiều em có những công việc rất tốt mà không phải đào tạo từ con đường đại học.

Vậy TS. nhận định thế nào về quan niệm "Bằng đại học là chìa khóa để thành công"?

Tôi cho rằng, quan niệm này chưa bao giờ đúng. Quán tính của nước ta hiện nay quá trọng bằng cấp nên mới đề cao quan điểm đó. Một thống kê chưa đầy đủ, 30% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, vậy thử hỏi tấm bằng ĐH có nghĩa lý gì.

Bản thân người học phải ý thức được rằng, học để lấy kiến thức ứng dụng vào thực tế, chứ học để lấy bằng cấp thì chẳng để làm gì. Chúng ta đang chạy theo số đông, chạy theo những quy luật giả định chứ không phải quy luật thật. Vào ĐH chưa phải là thành công.

Xin cảm ơn ông!   

Thanh Xuân (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.