Nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường
Phát triển bền vững đất nước luôn được gắn liền và đi đôi với bảo vệ môi trường, đó là một trong những quan điểm cơ bản được khẳng định rõ trong chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Để hiểu rõ hơn vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
NĐT: Thưa Chủ tịch, vấn đề môi trường đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp… là vấn đề “nóng” luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Xin ông chia sẻ về thực trạng môi trường của nước ta hiện nay?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta và trên toàn thế giới đang ở mức báo động và trở thành vấn đề nhức nhối. Dân số thế giới ngày càng đông và tăng lên, kéo theo nhu cầu các hoạt động cao nhưng ý thức lại không được cải thiện gây nên tác động xấu cho môi trường.
Ở trong nước, những năm gần đây, theo quy mô của nền kinh tế, dân số, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thì vấn đề môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách, phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Trên toàn quốc hiện đang có rất nhiều các khu công nghiệp được xây dựng để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Một số khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng mức cho việc xử lý chất thải công nghiệp, hậu quả làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải.
Ngoài ra, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân khi tiêu dùng sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết.
Rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng cũng đang là vấn đề nóng nhận được nhiều sự quan tâm.
NĐT: Như Chủ tịch nhận định, vấn đề về môi trường, ô nhiễm môi trường là vấn đề rất nhức nhối. Vậy, trong những năm qua Hội Luật gia Việt Nam đã có những cách làm như thế nào để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến với đông đảo cán bộ, hội viên Hội Luật gia?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Ngày 01/07/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Đây là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam trong hoạt động của Hội. Chỉ thị 14 tiếp tục khẳng định tính chất của Hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Với vai trò đó cùng hệ thống tổ chức Hội ở 63 tỉnh, thành phố từ Trung ương cho đến cấp cơ sở, Hội Luật gia Việt Nam mong muốn đóng góp một phần công sức của mình nhằm đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường vào cuộc sống. Vì vậy, ngày 05/10/2018, Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp số 03 về phối hợp công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023.
Trên cơ sở đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên và môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho Hội Luật gia Việt Nam nhiệm vụ “Tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp”.
Nhiệm vụ này được Hội Luật gia Việt Nam thực hiện liên tục, thường xuyên. Đặc biệt, trong năm 2022-2023 Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội Luật gia các cấp tại các tỉnh thành như: Quảng Ninh, Phú Yên, Hải Dương, Thái Bình… Mỗi cuộc tập huấn, chúng tôi có báo cáo viên sẽ phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để mỗi hội viên của Hội hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thực thi, tuyên truyền đến người dân.
Góp phần xây dựng môi trường sống trong sạch
NĐT: Xin ông chia sẻ rõ hơn về vai trò, vị trí của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của gần 80.000 hội viên, tổ chức lớn nhất của những người đã và đang làm công tác pháp luật trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước từ Trung ương xuống cơ sở. Những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường như tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập Luật Bảo vệ môi trường, các dự án luật liên quan đến bảo vệ môi trường và dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tổ chức Hội thảo khoa học, tọa đàm, hội nghị góp ý, phản biện xã hội cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đây là hình thức phổ biến nhất đã được các cấp Hội Luật gia thực hiện.
Cùng với đó, Hội Luật gia các cấp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.
Giám sát thực hiện pháp luật về tài nguyên và môi trường thông qua các hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia các cấp và các hội viên…
Có thể khẳng định, những năm qua, các cấp Hội và các hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã luôn nỗ lực, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn và cũng đã tổ chức triển khai phổ biến đến đông đảo người dân.
NĐT: Thưa Chủ tịch, Hội Luật gia Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện pháp luật về tài nguyên môi trường thông qua các hình thức như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Vai trò của giám sát xã hội là vô cùng to lớn, thông qua giám sát xã hội, những sai phạm trong thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường sẽ được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Việc giám sát của Hội Luật gia đối với việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật với tư cách là thể chế chính thức và với Quy chế liên tịch giữa Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương MTTQVN với tư cách là thể chế phi chính thức (phi nhà nước). Các phương thức mà Hội Luật gia có thể sử dụng trong giám sát thi hành pháp luật bảo vệ môi trường như: Hội Luật gia Việt Nam có thể tổ chức đoàn giám sát; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền với tư cách độc lập hoặc với tư cách thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
NĐT: Được biết Hội Luật gia Hà Nội đã thành lập Tổ tuyên truyền giám sát thực hiện thí điểm mô hình giám sát của nhân dân về bảo vệ môi trường tại cơ sở phường Bưởi, quận Tây Hồ. Xin Chủ tịch đánh giá về việc thực hiện thí điểm mô hình giám sát này đến thời điểm hiện nay?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền:Tháng 10/2022, Chi hội Luật gia phường Bưởi phối hợp với UBND phường Bưởi đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thí điểm tuyên truyền luật Bảo vệ Môi trường 2020 và giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân tại ngõ 8, ngõ 10 tổ dân phố 13, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Báo cáo Tổng kết thí điểm tuyên truyền luật Bảo vệ Môi trường 2020 và giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân tại ngõ 8, ngõ 10 tổ dân phố 13, phường Bưởi, quận Tây Hồ đã đánh giá các hộ gia đình, cá nhân tại ngõ 8, ngõ 10 Võng Thị đã có chuyển biến tích cực về ý thức, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, tích cực hưởng ứng tham gia việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đúng quy định đạt tỉ lệ từ 95% trở lên.
Trong năm 2023, Chi hội Luật gia Phường Bưởi tiếp tục tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020;
Chúng tôi đánh giá rất cao những kết quả mà Chi hội Luật gia phường Bưởi đã và đang làm, việc này góp phần giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường, giúp cho các cơ quan chức năng thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải dễ dàng, hiệu quả hơn.
Từ mô hình của phường Bưởi, Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam mong muốn thời gian tới chi Hội Luật gia các cấp, các đoàn thể địa phương, tổ dân phố sẽ nhân rộng mô hình để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thực sự đi vào cuộc sống.
NĐT: Theo Chủ tịch, để phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, mỗi cấp hội, hội viên các cấp cần phải làm gì?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Để phát huy hơn nữa vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn “Nâng cao kiến thức pháp luật và năng lực giám sát thực hiện về bảo vệ môi trường” cho cán bộ, hội viên Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước nhằm phát huy vai trò của các cấp Hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao kiến thức pháp luật bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội.
Chúng tôi hy vọng, thông qua các cuộc tập huấn này sẽ là tiền đề cho việc nâng cao nhận thức, kiến thức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên Hội Luật gia Việt Nam các cấp. Qua đó, góp phần thiết thực, hiệu quả vào công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, xây dựng môi trường sống trong sạch, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!.
Hoàng Bích – Nguyễn Nam