Cần tăng cường quản lý để bù vào vi phạm
Mới đây, thông tin về việc UBND TP.Hà Nội có văn bản đề nghị bộ Xây dựng, bộ Công an giảm bớt một số yêu cầu quy chuẩn với 17 chung cư cao tầng vi phạm PCCC không có khả năng khắc phục gây xôn xao dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đề nghị hạ tiêu chuẩn PCCC nói trên là tiền đề để những chung cư khác “vi phạm” theo.
Trao đổi về vấn đề này với PV, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ: “Tôi không hiểu mục đích đề nghị hạ tiêu chuẩn của Hà Nội là để làm gì? Điều chúng ta cần là bảo vệ sinh mạng những người dân ở trong chung cư”.
“Việc nâng lên hay hạ xuống thì mục đích cuối cùng vẫn phải là để bảo vệ tính mạng người dân. Còn vì không đáp ứng được mà xin hạ là trốn trách nhiệm với người dân”, ông Liêm bày tỏ.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, không riêng 17 chung cư nói trên mà hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều chung cư cũ không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC, bởi vì trước đây chưa có quy định về tiêu chuẩn.
“Nhưng cũng không thể vì thế mà buông lỏng quản lý. Vấn đề đặt ra là đã sai lầm mà sai lầm không chữa được nữa thì cách giải quyết là như thế nào? Cách giải quyết đơn giản nhất là phá đi xây lại thì tốn kém, lãng phí…”, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, việc PCCC bao gồm 2 phần: Thứ nhất 1 là phần thiết kế - xây dựng và phần thứ 2 là quản lý vận hành. Phần thiết kế, xây dựng bao gồm các tiêu chuẩn (Hà Nội muốn đề xuất hạ phần này).
Tuy nhiên, việc xây dựng thì đã rồi, sai không sửa được. Còn về phần thứ 2 là quản lý vận hành, đáp ứng các yêu cầu về PCCC. Vậy phần thiết kế, xây dựng đã không đạt yêu cầu thì phần quản lý phải tăng cường nghiêm nhặt để bù lại.
“Ví dụ: Trước đây ít bình cứu hỏa thì bây giờ tăng lên. Nâng cao nguyên tắc sử dụng nhà chung cư, đảm bảo PCCC nghiêm ngặt. Nếu ngày xưa cơ quan PCCC kiểm tra 1 năm 1 lần thì nay kiểm tra 2 lần, 3 lần 1 năm hoặc diễn tập nhiều lần… Tức là tăng cường quản lý để bù lại thiếu sót trong thiết kế, xây dựng, như thế mới là đúng”, TS. Liêm bày tỏ.
17 chung cư vi phạm vì thiếu hiểu biết
Trước đó, trong văn bản Hà Nội gửi đi thể hiện: Danh sách 17 tòa nhà cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu theo tiêu chuẩn hiện hành.
Cụ thể gồm: Nhà ở chung cư cao tầng kinh doanh (46/230 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng); chung cư 89 Phùng Hưng (phường Phúc La, quận Hà Đông); tòa CT1, CT2, CT3, CT4 Xa La (khu đô thị Xa La, quận Hà Đông)...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được TP.Hà Nội nêu rõ là do trước năm 2011, chủ đầu tư nhận thức về PCCC yếu kém. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng với thẩm duyệt thiết kế PCCC còn hạn chế.
Lý giải việc đề xuất giảm bớt tiêu chuẩn PCCC, TP. Hà Nội cho rằng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy có nêu trong một số trường hợp riêng biệt, bộ Xây dựng cho phép giảm bớt một số quy chuẩn đối với công trình cụ thể, khi có giải pháp thay thế và được sự thẩm duyệt bởi cục Cảnh sát PCCC (bộ Công an).
Bên cạnh việc đề nghị giảm bớt, hạ chuẩn Hà Nội cũng nêu ra 10 nhóm giải pháp, tương ứng với nhóm chung cư có cùng vấn đề phải giải quyết.
Cụ thể: Với công trình không thể thi công hệ thống hút khói, TP đề xuất thay thế cửa mở ra hành lang bằng cửa chống cháy tự động đóng, bổ sung hệ thống tăng áp trực tiếp vào hành lang các tầng.
Với công trình không có khả năng thi công hệ thống tăng áp cho buồng thang bộ, đề xuất mở ô cửa thoáng mặt sau các buồng thang bộ. Với công trình tồn tại về hệ thống thu rác, đề xuất giải pháp ống đổ rác làm bằng vật liệu không cháy, miệng ống phải tự động đóng kín…
Nói về giải pháp mà Hà Nội đưa ra, TS. Liêm cho rằng đó đều là những giải pháp chấp nhận được. Song theo ông Liêm, vấn đề căn bản nhất vẫn là tăng cường quản lý PCCC tại các chung cư này cũng như nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở.