Quyết định khoán xe công cho 6 Thứ trưởng vừa được Bộ Tài chính ban hành đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo đó, đa phần người dân bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Bộ này, hi vọng sẽ giảm thiểu được tình trạng “đi đâu cũng thấy biển xanh”, từ nhà hàng, quán xá, khu du lịch đến đền chùa, miếu mạo…
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho hay, ngoài việc khoán kinh phí cho lãnh đạo thì đơn giá vẫn còn cao. Trên thực tế, mức tiêu thụ nhiên liệu cho xe ô tô thấp hơn nhiều so với mức chi trả của taxi. Vì vậy, dù là taxi giá rẻ thì việc áp dụng vẫn còn khá... “rộng rãi”.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Du Lịch, ĐBQH khóa XIII cho biết, ông rất hoan nghênh với chủ trương mới này của Bộ Tài chính. “Đã đến lúc chúng ta làm thay vì nói. Chúng ta đã nói nhiều về vấn đề này rồi. Chính phủ cũng đã có chủ trương này từ lâu nhưng đến giờ mới bắt đầu thực hiện cũng đã là muộn.
Việc thắt chặt kinh phí cho xe công sẽ giảm được rất nhiều cho ngân sách hàng năm. Theo tôi, không nên chỉ áp dụng khoán kinh phí cho cấp Thứ trưởng mà nên bắt đầu từ cấp Bộ trưởng”, ông Lịch nói.
Theo ông Trần Du Lịch, quy định chỉ các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên mới có chế độ xe đưa đón, tuy nhiên, việc kiểm soát áp theo quy định này thời gian qua vẫn còn lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm. Tình trạng cán bộ có hệ số phụ cấp dưới 1,25 vẫn có xe đưa đón hàng ngày diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, không thiếu những hình ảnh cán bộ đi tiếp khách buổi tối, lái xe vẫn phải nằm chờ chực, rất phản cảm.
“Không chỉ thoải mái trong việc chi cho xe công đưa đón, nhiều đơn vị có số lượng xe công quá nhiều, tập trung thành cả một đội xe, thậm chí có cả xưởng sửa chữa, bảo trì xe công riêng… Điều này là rất lãng phí”, ông Trần du Lịch cho hay.
Cũng theo vị ĐBQH khóa XIII thuộc đoàn TP.HCM, ngoài việc chi phí bảo dưỡng thường xuyên, số lượng chi trả lương lái xe riêng của lãnh đạo cũng sẽ tiết kiệm rất nhiều. Nếu áp dụng theo quy định khoán kinh phí, sẽ giảm được chi phí thuê lái xe rất lớn.
Ông Trần Du Lịch nói thêm, việc tính toán số tiền hợp lý để khoán cho lãnh đạo, Bộ Tài chính sẽ có những cân nhắc phù hợp, cân đối cho cả phần công việc đi họp, hành tại các đơn vị khác của lãnh đạo.
“Tôi hi vọng nhiều hơn nữa từ chủ trương này. Trong thời kỳ quá độ, giao thông còn nhiều khó khăn này, chúng ta vẫn phải duy trì việc khoán xe cho lãnh đạo, đưa đón đi họp, công tác, đi làm.
Tuy nhiên, trong tương lai, khi những chính sách về tài chính được quy định chặt chẽ hơn, có thể các đơn vị sẽ tách ra. Thay vì chi phí thường xuyên có thể thuê những đơn vị chuyên nghiệp đưa đón cán bộ đi công tác. Như thế mới giảm được lãng phí thật sự”, vị này nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khác cũng hi vọng, chính sách này sau khi được “thí điểm” tại Bộ Tài chính sẽ được mở rộng ra các bộ ban ngành. “Đã đến lúc chúng ta nói được làm được. Và, đã làm là phải làm được chứ không phải làm rồi bảo là không xong, phải quay trở lại duy trì như nếp cũ nữa”, một chuyên gia tài chính công cho biết.
Đỗ Huệ