Trong hơn một năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các chính sách của Hiệp định đã mang lại những tác động tích cực, quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là khi nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bất chấp dịch, trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đạt được những kết quả tích cực. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 54,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3% so cùng kỳ còn kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ.
[Info] Nhìn lại một năm thu “quả ngọt” từ Hiệp định EVFTA
Trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) đã đánh giá, so với các FTA khác, việc tận dụng Hiệp định EVFTA đã được thực hiện khá tốt và gần như là ngay lập tức.
Trên đà chinh phục thị trường khó tính
Người Đưa Tin (NĐT): Sau 1 năm EVFTA đi vào thực hiện, nhìn nhận lại những kết quả bước đầu trong hành trình lâu dài này, ông có đánh giá thế nào về cuộc hội nhập của doanh nghiệp Việt, mức độ tận dụng ưu đãi thuế quan như thế nào?
TS. Võ Trí Thành: Trước khi ký kết và hiệp định EVFTA có hiệu lực thì công tác truyền thông, đào tạo, thông tin đến với doanh nghiệp đã được đẩy mạnh. Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các viện nghiên cứu, các hiệp hội cũng đã triển khai nhiều các hoạt động cung cấp thông tin để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường và thực tế cho thấy là doanh nghiệp cũng rất quan tâm.
Bức tranh của EVFTA là một bức tranh tích cực và nó được biểu hiện ngay bằng những con số trong việc thực hiện Hiệp định. Tôi muốn nhắc lại hồi 6 tháng đầu năm 2020, thời điểm mà EVFTA chưa được ký kết.
Ở thời điểm đó, ảnh hưởng của đại dịch nên trong 6 tháng năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU giảm mạnh chỉ đạt mức âm 8,9%. Tuy nhiên, cả năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chỉ âm 3.4%.
Nói vậy để thấy rằng, đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ vào 6 tháng cuối năm 2020 khi mà Hiệp định EVFTA được thực thi từ 1/8/2020, điều này đã góp phần mạnh mẽ vào việc cải thiện cán cân thương mại giữa Việt Nam - EU ngay trong những tháng đầu tiên thực hiện.
Còn nhìn lại 9 tháng 2021 thì tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU còn mạnh mẽ hơn nữa với con số 11,7%.
Những con số này cho thấy việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung và nhất là EVFTA đang rất tích cực. Doanh nghiệp đã bắt nhịp khá tốt với nhịp độ phục hồi với các đối tác EU, góp phần vào xuất khẩu hàng hóa và tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam từ cuối quý III/2020 đến thời điểm hiện tại. So với các FTA khác, có thể thấy việc tận dụng Hiệp định EVFTA đã được thực hiện khá tốt và gần như là ngay lập tức.
NĐT: Như ông đã nói thì trong bối cảnh dịch, doanh nghiệp vẫn tận dụng được những ưu đãi từ Hiệp định này, còn khó khăn trong dịch với doanh nghiệp thì sao?
TS. Võ Trí Thành: Nhìn chung doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, tuy nhiên vẫn đang bị cản trở bởi những khó khăn chung trong bối cảnh đại dịch.
Cụ thể có thể thấy như giãn cách xã hội, đứt gãy đầu vào, giá nguyên liệu đầu vào tăng, đối tác dịch chuyển đơn đặt hàng. Bản thân doanh nghiệp Việt nguồn lực cũng rất hạn chế trong khi đó bối cảnh dịch lại đặt ra thêm nhiều lo toan trong việc vừa cùng cả nước chống dịch vừa cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
NĐT: Sau một năm thực hiện, ngoài tác nhân Covid-19 thì những trở ngại, điểm yếu mà doanh nghiệp đang thực sự vướng mắc để có thể bắt nhịp được với thị trường EU trên “cao tốc” EVFTA là gì?
TS. Võ Trí Thành: Thực tế thì số doanh nghiệp trong nước hiểu biết đủ sâu và hiểu biết để có thể đưa được vào kế hoạch sản xuất kinh doanh thì không nhiều. Đó là thực trạng chung mà chúng ta cần phải khắc phục.
Bên cạnh đó, đối với thị trường EU gồm 27 nước thành viên thì đây vẫn luôn là một thị trường “khó tính” với những đòi hỏi rất cao về mặt hàng xuất khẩu. Vấn đề không đơn thuần chỉ là mẫu mã, giá cả, thị hiếu mà còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao, đằng sau đó là câu chuyện phát triển xanh, phát triển bền vững và tính nhân văn.
Những rào cản trên đường xuất khẩu vào thị trường EU
Tiềm năng còn rất lớn
NĐT: Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19 để phục hồi kinh tế trở lại. Xin ông cho biết, tiềm năng khai thác của EFVTA trong thời gian tới đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy hồi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng.
TS. Võ Trí Thành: Tôi cho rằng khả năng và tiềm năng khai thác của Hiệp định EVFTA là rất lớn và những trở ngại như vừa qua là do câu chuyện phòng chống dịch trong nước là chính. Và kể cả ngay trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp cũng đã biết tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại, tất nhiên là chưa toàn diện.
Trong bối cảnh bình thường mới, chúng ta càng có nhiều cơ sở để hy vọng về tương lai của Hiệp định này. Chúng ta cơ bản đã khống chế được dịch bệnh đặc biệt là sự chuyển chiến lược sang thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19 và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế.
Tiềm năng là có khi doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội và nỗ lực đặc biệt trong bối cảnh không chỉ Việt Nam mà cả EU cũng đang nằm trong tiến trình phục hồi kinh tế. Tôi tin rằng doanh nghiệp thì luôn có khả năng nhìn ra cơ hội để hành động.
Tuy nhiên, hiện nay có hai vấn đề nổi lên. Thứ nhất, sau thời gian dài dịch bệnh, doanh nghiệp đã bị bào mòn sức lực, đặc biệt là những địa bàn nóng, bị giãn cách xã hội quá lâu.
Thứ hai, chắc chắn là với doanh nghiệp thì nỗ lực không chỉ dừng lại ở đấy mà phải hướng đến chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, nâng cao khả năng của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm. Nói như vậy để thấy trong giai đoạn trước mắt, ngoài vai trò của doanh nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
NĐT: Theo ông, doanh nghiệp cần được hỗ trợ những gì, tiếp sức như thế nào trong bối cảnh “bình thường mới” để có thể tiếp tục khai thác tốt cơ hội mà Hiệp định mang lại?
TS. Võ Trí Thành: Thực tế trong suốt thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp từ chính sách tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội,… Vấn đề là phải làm sao để thực hiện những chính sách đó đầy đủ và cần phải quyết liệt hơn nữa.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang xúc tiến mạnh chương trình phục hồi phát triển nền kinh tế với nhiều gói hỗ trợ, vừa là mở rộng, vừa là sâu hơn đặc biệt là gắn với đà phục hồi cũng như gắn với cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới cho doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, bên cạnh những điều đã làm như thông tin, đào tạo… thì trong giai đoạn trước mắt cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố giúp phục hồi lại sản xuất cho doanh nghiệp như người lao động, nguồn vốn, kết nối đối tác, thị trường mà thời gian qua đã đứt gãy. Trong các thông tin cần đặc biệt chú trọng đến thông tin về thị trường, về tình hình dịch của các nước đối tác. Và đặc biệt vẫn là khống chế dịch và mở cửa nền kinh tế.
NĐT: Cảm ơn chia sẻ của ông!
Thu Huyền - Mạnh Quốc thực hiện.