- Vừa qua, báo chí có đưa tin về việc hai cha con “người rừng” là Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang ở huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) vừa được phát hiện và giải cứu sau 40 năm sống trong rừng sâu, là một chuyên gia khảo cổ chuyên nghiên cứu về con người, môi trường và mối quan hệ giữa chúng, ông có nhận xét gì về hiện tượng trên?
TS.Vũ Thế Long: Tôi cũng được biết thông tin vụ hai cha con “người rừng” nói trên qua báo chí và báo chí cũng đã viết khá nhiều về cuộc sống của hai cha con họ. Dưới góc độ một người nghiên cứu, tôi cho rằng câu chuyện trên là bình thường. Bình thường bởi hai lý do: Thứ nhất, những trường hợp người sống trong rừng như hai cha con ông Hồ Văn Thanh, Hồ Văn Lang nói trên đã có rất nhiều rồi, trên thế giới cũng như Việt Nam cũng đã từng ghi nhận rất nhiều những trường hợp như thế nên đây không phải là mới.
Thứ hai, ngay cả khi hai cha con họ sống trong rừng thì đây cũng là một dạng thích nghi với môi trường tự nhiên (rừng núi) – vốn là môi trường đầu tiên và cũng là xưa nhất của loài người, kiểu như tôi không thích sống trong môi trường xã hội loài người thì tôi bỏ vào rừng để sống gần gũi với thiên nhiên hơn, thậm chí quay lại sống gần gũi, thân thiện với thiên nhiên đang là xu hướng hiện nay của con người hiện đại, nó không có gì là lạ lẫm cả.
Hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang được đưa về sau 40 năm sinh sống trong rừng.
- Có thông tin cho rằng ông Hồ Văn Thanh trước kia từng là bộ đội chính quy, sau vì chứng kiến cảnh người thân bị trúng bom chết nên mới hoảng sợ và bỏ vào rừng sinh sống. Nhận xét về chi tiết trên, có người cho rằng ông Thanh bỏ vào rừng sinh sống là vì bản năng sinh tồn của con người, có ý kiến khác lại cho rằng nó mang ý nghĩa khác… Ý kiến của ông về vấn đề trên như thế nào?
TS. Vũ Thế Long: Khoan hãy nói đến những khái niệm to tát như “phản đối bom đạn”, “nhân văn” hay gì đó xung quanh chuyện hai cha con ông Hồ Văn Thanh bỏ vào rừng sinh sống bởi ở một góc độ nào đó, những ý kiến trên chỉ là sự suy diễn của chúng ta mà thôi. Bản chất không hẳn là như vậy. Tôi nghĩ đây không phải là chuyện lớn. Câu chuyện đơn giản chỉ là hai bố con họ từ chối cuộc sống với cộng đồng, bỏ vào rừng để sống. Nếu tìm hiểu kỹ hơn văn hóa và tập quán sinh sống của một số tộc người thiểu số, trong đó có người Cor ở Quảng Ngãi thì ta có thể thấy rằng sống trong rừng còn là một tập quán sinh sống của dân tộc họ, đó là điều bình thường.
Về chi tiết nói rằng ông Hồ Văn Thanh trước kia từng là bộ đội chính quy tôi thấy cũng chưa thực sự rõ ràng cho lắm. Ngay cả chuyện bảo ông Thanh còn giữ chiếc quần bộ đội khi xưa để làm kỷ niệm cũng chưa có sức thuyết phục. Nếu ông Thanh từng đi bộ đội thì phải có hồ sơ về quân ngũ do các cơ quan chức năng hoặc địa phương lưu lại như đơn vị, chức vụ,… khi có đầy đủ hồ sơ thì mới khẳng định được. Bởi thế, nói ông Thanh bỏ vào rừng sống là “mang tính nhân văn”, mang “ý nghĩa phản đối bom đạn”,… theo tôi là gượng ép. Tôi xin nhắc lại rằng, việc hai cha con ông Thanh bỏ vào rừng sinh sống theo tôi chỉ là do thói quen, tập quán sinh sống của tộc người Cor mà thôi.
Tiến sĩ Vũ Thế Long – nguyên Trưởng ban nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ Việt Nam)
- Vâng, ông cho rằng việc hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang vào rừng sinh sống một phần là do tập quán sinh sống, có nghĩa là khi nói “giải cứu người rừng” là gượng ép bởi thực ra “người rừng” không cần… “giải cứu”?
TS. Vũ Thế Long: Tôi phản đối việc sử dụng cả hai khái niệm “người rừng” và “giải cứu” khi nói về chuyện sinh sống trong rừng của hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang. Thứ nhất, cần khẳng định rằng, hai cha con họ không phải là “người rừng” mà chỉ là người sống trong rừng.
“Người rừng” gợi lên một cái gì đó hoang dã, man rợ, trong khi hai cha con họ dù sống trong rừng nhưng thực tế thì vẫn giữ mối liên hệ với xã hội bên ngoài. Bằng chứng là người con trai của ông Thanh hằng tháng vẫn vào thăm cha và tiếp tế cho ông lương thực cũng như một số vật dụng sinh hoạt cần thiết. Đây chính là “khúc rốn” nối cha con ông Thanh với xã hội bên ngoài, và vì thế, họ không phải là “người rừng”.
Thứ hai, tôi cũng không đồng ý với cách dùng từ “giải cứu” khi nói về hành động can thiệp của địa phương khi đưa hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang từ môi trường sống trong rừng ra môi trường sống xã hội bên ngoài. Như trên tôi đã nói, ông Thanh vào rừng sinh sống vì hai lý do: do sở thích và do tập quán sinh hoạt của dân tộc họ, ông không hề bị lạc mà phải sống trong rừng. Nếu ông muốn ra sinh sống với xã hội bên ngoài thì ông vẫn có cơ hội, nhưng ông đã không ra, nghĩa là hai cha con họ hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn môi trường sống của mình.
Khi chúng ta nói “giải cứu” thì nên hiểu như thế nào? Giải cứu cái gì và ai giải cứu ai? Tôi nghĩ trong câu chuyện này không có khái niệm giải cứu. Ngoài ra, bức ảnh chụp cảnh xích tay hai cha con họ sau khi đã đưa ra môi trường sống bên ngoài phần nào đó khiến độc giả ám ảnh, về góc độ nhân học, chúng ta có quyền đặt câu hỏi rằng có phải chúng ta đang đối xử một cách có phần phi nhân đạo với cha con họ không?...
- Về trường hợp hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang hiện nay, ông có kiến nghị gì không, ví như giải pháp giúp họ hòa nhập với cộng đồng?
TS.Vũ Thế Long: Theo tôi, trước mắt cần giúp họ hòa nhập với môi trường sống mới mà họ đã xa quá lâu. Về lâu dài, tôi nghĩ hai cha con ông Hồ Van Thanh và Hồ Văn Lang là hai trường hợp rất đáng để các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn. Ví như họ đã làm thế nào để có thể tồn tại trong rừng suốt 40 năm qua? Họ đã làm gì để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và bệnh tật?
Và, khi họ đã có thể hòa nhập được với môi trường sống mới thì có thể mời họ làm người dạy những lớp kỹ năng sống trong rừng, như làm gì để con người có thể tồn tại giữa thiên nhiên hoang dã, điều đó có thể lắm chứ, tại sao lại không nhỉ?
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Tri thức trẻ