Thanh tra Chính phủ đề xuất: “Qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý, thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%". Đây là điểm mới nhất trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được bàn thảo tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của QH.
Liên quan đến đề xuất này, PV báo Người Đưa Tin đã ghi nhận một số ý kiến từ TS.Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam).
TS.Hoàng Ngọc Giao cho rằng, đề xuất này nằm trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng với quy định các tài sản bất minh mà chỉ chịu thuế 45%, hoặc thậm chí đánh thuế đến 60 - 80% đi nữa... cũng làm mất đi tác dụng phòng, ngừa tham nhũng.
Theo TS.Hoàng Ngọc Giao, khi quan chức có hành vi tham nhũng họ nghĩ đến hậu quả của hành vi đó sẽ như thế nào nếu bị phát hiện? Nếu đánh thuế 45% tài sản kê khai không trung thực và đó là các tài sản do tham nhũng mà có, thì họ sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Lúc đó, nếu có đánh thuế cao đến 80%, họ vẫn tham nhũng, bởi sau khi đánh thuế con cái họ vẫn còn tiền. Điều này chính là làm mất đi tác dụng phòng ngừa tham nhũng với những người có chức vụ.
Một điểm nữa, theo TS.Hoàng Ngọc Giao, nếu đề xuất như vậy cũng làm mất đi hiệu quả vật chất của chống tham nhũng.
“Đương nhiên, việc chống tham nhũng phải nhằm đến các hành vi, vụ việc tham nhũng cụ thể và phải bị xử lý theo pháp luật.
Tuy nhiên, tài sản bất minh do tham nhũng mà có đương nhiên là tài sản của xã hội. Đó là tài sản, là tiền thuế của nhân dân, muốn gì thì muốn, tiền thu lời bất minh từ doanh nghiệp, từ trục lợi chức vụ, từ hối lộ… phải bị tịch thu. Theo tôi cần có phân biệt tài sản bất minh do hành vi tham nhũng, nếu đánh thuế là không ổn”, TS.Giao nêu quan điểm.
Theo ông Giao, quan chức đã vướng vào tham nhũng, tài sản bất minh mà không chứng minh được cần phải kiên quyết tịch thu.
Nếu làm được như vậy, nhân dân sẽ đồng tình, làm được như vậy, sức mạnh răn đe tham nhũng sẽ rất tốt và hiệu quả vật chất chắc chắn cao hơn, ông Giao nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TS.Giao cũng phân tích, thực tế hiện nay, việc truy tận gốc tài sản do tham nhũng mà có dựa trên hệ thống văn bản pháp luật, pháp quy của chúng ta là không hề đơn giản. Thậm chí nhiều nơi còn ban hành văn bản trái luật, tùy tiện để dựa vào đó thực hiện hành vi trục lợi, tham nhũng.
“Vì vậy, ở đây với các tài sản bất minh không phải Nhà nước có nghĩa vụ chứng minh mà chủ tài sản phải chứng minh. Anh không chứng minh được thì phải tịch thu”, TS. Giao thẳng thắn nêu quan điểm.