TSMC chính thức công bố kế hoạch xây nhà máy chip tại Nhật Bản

TSMC chính thức công bố kế hoạch xây nhà máy chip tại Nhật Bản

Nguyễn Lê Tùng Phong

Nguyễn Lê Tùng Phong

Thứ 6, 15/10/2021 11:38

TSMC đã chính thức thông báo sẽ xây nhà máy chip đầu tiên tại Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư lên tới 1 nghìn tỷ Yen (8,8 tỷ USD).

Tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC đã chính thức công bố kế hoạch xây nhà máy chip đầu tiên tại Nhật Bản - một phần trong nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm củng cố chuỗi cung ứng chip trong nước giữa cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu.

CEO của TSMC C.C. Wei nói với các nhà đầu tư rằng tập đoàn đã nhận sự ủng hộ từ cả phía các khách hàng và Chính phủ Nhật Bản với khoản đầu tư này. Theo ông Wei, nhà máy sẽ tập trung vào công nghệ 22nm và 28nm có thể được ứng dụng cho nhiều loại chip khác nhau, từ cảm biến hình ảnh đến mạch vi điều khiển.

Tổng vốn đầu tư sẽ lên tới 1 nghìn tỷ Yen (8,8 tỷ USD), theo thông tin từ Chính phủ Nhật Bản, dù bản thân TSMC chưa tiết lộ khoản đầu tư vào dự án này. Ông Wei nói rằng nhà máy này không nằm trong kế hoạch đầu tư 3 năm trị giá 100 tỷ USD mà TSMC đã công bố trước đó.

Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công vào năm sau và bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2024. Dù TSMC thường sở hữu 100% các nhà máy ở nước ngoài, tập đoàn này không loại trừ khả năng liên doanh với các công ty khác hoặc chính khách hàng của mình, theo CFO Wendell Huang. Ông Huang không đề cập đến tin tức về việc Sony xem xét đầu tư vào nhà máy. 

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cam kết sẽ hỗ trợ đầu tư quy mô lớn từ khu vực tư nhân “như khoảng đầu tư 1 nghìn tỷ Yen từ TSMC” trong gói kích thích kinh tế mới. Theo ông Kishida, ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản sẽ trở nên thiết yếu và tự chủ hơn, đóng góp đáng kể vào an ninh kinh tế của quốc gia này

Công nghệ - TSMC chính thức công bố kế hoạch xây nhà máy chip tại Nhật Bản

Bên trong một nhà máy chip của TSMC. Ảnh: TSMC

Xây dựng một nhà máy tại Nhật Bản đánh dấu một bước đi mới xa khỏi chiến lược tập trung sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) kéo dài hàng thập niên của TSMC. Sự tham gia của Sony cũng sẽ là một động thái ít được ngờ tới khi hơn 20 năm trôi qua kể từ lần cuối TSMC cho phép đối tác hoặc khách hàng cùng sở hữu một nhà máy chip.

Lần gần đây nhất điều này xảy ra là vào năm 1996 khi TSMC liên doanh đầu tư với 2 khách hàng Analog Devices và Altera (Altera đã được Intel mua lại) nhằm xây dựng nhà máy chip đầu tiên của tập đoàn này tại Mỹ. Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau đó TSMC đã mua lại toàn bộ cổ phần từ các đối tác. Hiện tại, TSMC đang xây dựng nhà máy chip tiên tiến nhất bên ngoài Đài Loan tại bang Arizona, Mỹ và xem xét khả năng xây dựng một nhà máy tại Đức.

TSMC cũng đang mở rộng quy mô sản xuất tại Nam Kinh, Trung Quốc, tuy công nghệ 28nm được sử dụng tại đây lạc hậu hơn nhiều so với công nghệ 5nm mà tập đoàn này sẽ sử dụng tại nhà máy ở Mỹ.

Arisa Liu, một nhà phân tích chuyên về ngành công nghiệp bán dẫn tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết áp lực địa chính trị là yếu tố đứng sau việc TSMC mở rộng sản xuất trên toàn cầu. Theo bà Liu, vận hành các nhà máy ở nước ngoài chắc chắn sẽ làm tăng chi phí, và do đó Viện sẽ cần theo dõi xem điều này có ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của TSMC trong dài hạn hay không. Thêm vào đó, việc nhiều nền kinh tế lớn muốn đưa hoạt động sản xuất chip bán dẫn về nước mình khả năng cao sẽ duy trì chi phí sản xuất và giá chip ở mức cao trong trung và dài hạn.

Tùng Phong (Theo Nikkei Asia)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.