Trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã nói: “Trong vòng 2 tuần qua, tôi đã đích thân gọi điện cho CEO của tất cả các nhà sản xuất chip lớn tại Mỹ và nước ngoài. Tất cả các CEO đã bảo đảm với tôi rằng họ sẽ chấp hành và cung cấp dữ liệu chúng tôi yêu cầu”.
Tuy bà Raimondo chưa trực tiếp xem xét thông tin các công ty sản xuất chip cung cấp, bà nói rằng mình cảm thấy “lạc quan rằng họ đang cung cấp thông tin toàn diện” và chính phủ Mỹ sẽ không cần viện đến Đạo luật Sản xuất Quốc phòng - một đạo luật an ninh quốc gia có từ thời Chiến tranh lạnh - để ép các công ty này chấp hành yêu cầu.
Bà Gina Raimondo cho biết thêm: ”Tôi sẽ biết thêm nhiều thông tin sau khi xem xét dữ liệu nhận được ngày hôm nay. Hy vọng rằng chúng tôi không cần dùng đến Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, nhưng chúng tôi sẵn sàng thực hiện nếu cần thiết.
Hiện tại, chuỗi cung ứng chip còn nhiều điểm thiếu minh bạch dẫn đến lòng tin của các bên ở mức thấp, do đó cần làm rõ điều gì đang xảy ra, lượng chip được sản xuất đang đi về đâu và liệu có quốc gia nào đang tích trữ chip hay không”.
Một số công ty sản xuất chip lớn tại châu Á đã công khai việc chấp hành yêu cầu của chính phủ Mỹ mà không cung cấp dữ liệu nhạy cảm về khách hàng. TSMC không cung cấp dữ liệu cụ thể về bất kỳ khách hàng nào. Một số công ty khác như Micron, Western Digital và United Microelectronics cũng đã nộp thông tin cho chính phủ Mỹ trước hạn chót 8/11, theo thông tin chính thức.
Samsung và SK Hynix, 2 công ty sản xuất chip lớn của Hàn Quốc, cũng đã cung cấp thông tin sau khi thảo luận với Bộ Thương mại Mỹ mà không bao gồm dữ liệu về khách hàng.
Yêu cầu của Washington về cung cấp thông tin lượng chip tồn kho và doanh số chip đã dấy lên tranh cãi tại cả Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, làm một số bên lo ngại rằng Mỹ đang ép các công ty chip giao nộp bí mật kinh doanh.
Chính quyền Biden đang nỗ lực giảm nhẹ nút thắt về chip đang khiến sản lượng ô tô và đồ điện tử tiêu dùng tại Mỹ đình trệ, đồng thời muốn xác định xem có bên nào đang tích trữ chip hay không. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh việc khu vực tư nhân phải có trách nhiệm trở nên minh bạch hơn nếu muốn chính phủ giải quyết thành công khủng hoảng chip.
Trong vòng nhiều tháng qua, bản thân nhóm của Bộ trưởng Gina Raimondo đã cố làm rõ cách các nhà sản xuất chip phân phối nguồn cung của mình. Tuy nhiên, những buổi họp trước đó có sự tham gia của doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiều khúc mắc về tính minh bạch, bên cạnh việc các công ty chip không muốn giao nộp thông tin nhạy cảm về hoạt động kinh doanh của mình.
Tùng Phong (Theo Bloomberg)