Theo Sputnik, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Syria Bashar Assad đã giải thích lý do hệ thống phòng không Syria không bắn hạ các tên lửa hành trình Mỹ mà Washington đã nhắm vào một căn cứ không quân Syria ở tỉnh Hama hồi đầu tháng.
Theo Tổng thống Assad, trên 50% hệ thống phòng không của Syria đã bị lực lượng khủng bố phá hủy.
"Chúng tôi không thể đưa ra con số chính xác vì đây là thông tin quân sự. Nhưng tôi có thể nói rằng con số đó là hơn 50%", ông Assad nhận định về việc các hệ thống phòng không bị phá hủy.
Hệ thống phòng không Syria không thể bắn hạ tên lửa Tomahawk của Mỹ vào ngày 7/4 là do "những phức tạp về mặt kỹ thuật vì tên lửa phải nhìn thấy mục tiêu", ông Assad giải thích.
Hiện lực lượng chính phủ Syria đang sở hữu hệ thống tên lửa đất-đối-không S-200 (hay còn gọi là SA-5) do Liên Xô sản xuất.
Hệ thống này có nhiệm vụ bảo vệ những khoảng không gian rộng trước sự tấn công của các loại máy bay ném bom và máy bay chiến lược.
“Về mặt kỹ thuật, nó khá phức tạp bởi tên lửa phải nhìn thấy mục tiêu. Để làm được điều này, cần loại radar có thể quét mọi góc của đất nước nhưng đây là điều không thể. Tên lửa hành trình lại dùng địa hình để tránh bị radar phát hiện", ông Assad cho biết thêm.
Các cuộc tấn công của khủng bố là lý do thứ hai khiến hệ thống phòng không Syria không thể bắn hạ các tên lửa hành trình Tomahawk, ông Assad cho biết thêm.
"Mỗi khi bắt đầu tấn công, chúng đều bắt đầu bằng việc phá hủy hệ thống phòng không và gọi đó là "biểu tình ôn hòa". Hầu hết hệ thống phòng không đều nằm ngoài thành phố, ở các khu vực xa xôi và chúng bị ảnh hưởng rất nhiều trong cuộc khủng hoảng", ông Assad giải thích.
Nga đã bù đắp phần nào những thiệt hại, tổn thất cho Syria. Tuy nhiên, Nga cũng chỉ giúp bù đắp được khoảng 50% hệ thống phòng không đã bị khủng bố phá huỷ, theo ông Assad.
"Tất nhiên, dù người Nga đã hỗ trợ quân đội Syria nhưng sự bù đắp của họ là không đủ đối với cả một quốc gia", ông Assad lý giải.
Hôm 7/4, Mỹ đã nã 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân đội Syria ở Ash Sha’irat, cách thành phố Homs 40 km. Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc quân đội Syria đứng sau vụ tấn công hóa học hồi đầu tháng này nhằm vào dân thường, và đó là lý do Mỹ thực hiện đợt tấn công để coi đó là lời cảnh báo.
Về phần Mỹ, giới chức nước này cũng tuyên bố có thể dùng thêm hành động quân sự nếu nhận thấy Syria tiếp tục sở hữu vũ khí hóa học.
Tổng thống Assad khẳng định, chính phủ Syria không có vũ khí hóa học sau khi nhất trí phá hủy chúng vào năm 2013. Ông cũng loại trừ việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại chính người dân nước mình.
Nga coi vụ tấn công tên lửa Mỹ vào căn cứ không quân Syria là hành động gây hấn chống lại một quốc gia có chủ quyền.
Để nâng cấp hệ thống vũ khí bị tổn hại trong cuộc chiến với IS cũng như các thế lực khác, Syria hiện đang muốn mua nhiều vũ khí tân tiến.
Theo Tổng thống Assad, Moscow và Damascus đang tổ chức đàm phán về việc cung cấp thêm các hệ thống phòng không cho Syria và Damascus muốn mua hệ thống phòng không thế hệ mới nhất.
"Tất nhiên, chúng tôi cần nhiều vũ khí hơn sau cuộc chiến này và do nhu cầu tiêu dùng. Đây là một phần của mối quan hệ giữa hai cơ quan trong bộ Quốc phòng Nga và Syria", ông Assad chia sẻ.
"Thông thường chúng tôi quan tâm đến thế hệ mới nhất của bất kỳ hệ thống nào, tuy nhiên điều đó phụ thuộc vào những gì sẵn có, phụ thuộc vào chính sách của nhà cung cấp, tức là Nga, và phụ thuộc vào giá cả", Tổng thống Syria cho biết thêm.
Syria sở hữu "vài tấn" vũ khí hóa học?
Cho đến nay Mỹ vẫn cho rằng Syria nắm giữ số lượng lớn vũ khí hoá học. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis hôm 21/4 khẳng định "không còn nghi ngờ gì" về việc Syria nắm giữ vũ khí hóa học.
Ông James Mattis cũng cảnh báo Tổng thống Assad không tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời cáo buộc Syria vi phạm các nghị quyết và phá vỡ những tuyên bố từng đưa ra khi nói rằng đã xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học.
"Đây là hành vi vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nó cần phải được đưa ra xử lý thông qua ngoại giao. Sẽ thật thiếu sáng suốt nếu Syria sử dụng thứ vũ khí này lần nữa. Chúng tôi đã làm rõ quan điểm của mình với cuộc tấn công bằng tên lửa vừa qua", ông James Mattis chia sẻ trong chuyến thăm Israel.
Israel tiến hành đánh giá tình báo cụ thể về sức mạnh vũ khí của Tổng thống Assad kể từ sau vụ tấn công vũ khí hóa học đầu tháng này. Các quan chức quốc phòng Israel khẳng định Syria vẫn còn ba tấn vũ khí hoá học. Một quan chức cao cấp của quân đội Israel cho biết lực lượng tình báo Israel tin rằng ước tính ông Assad vẫn còn "từ một đến ba tấn" vũ khí hóa học.
Người đứng đầu cơ quan giám sát vũ khí hóa học quốc tế cho hay việc kiểm tra trong phòng thí nghiệm đã cung cấp những bằng chứng "không thể bác bỏ" rằng nạn nhân và những người sống sót trong vụ tấn công vào ngày 4/4 ở miền bắc Syria đã bị phơi nhiễm với khí độc thần kinh sarin hoặc một chất độc bị cấm tương tự.
Đánh giá này đã được xác nhận bởi hai quan chức quốc phòng khác của Israel. Tất cả các quan chức đều chia sẻ với yêu cầu giấu tên theo các quy định của quân đội.
Dan Kaszeta, một chuyên gia về vũ khí hoá học ở Anh, nói rằng ước tính của Israel dường như vẫn thận trọng, tuy nhiên vẫn đủ để sát thương.
"Một tấn sarin có thể dễ dàng được sử dụng để gây ra một cuộc tấn công với quy mô tương tự năm 2013. Nó cũng có thể được sử dụng cho gần 10 cuộc tấn công quy mô tương tự như cuộc tấn công gần đây tại Khan Sheikhoun," ông nói.
Tuy nhiên, ông Assad nói cáo buộc từ Mỹ là "sự ngụy tạo 100%". Ông Assad tuyên bố Syria đã hủy bỏ hoàn toàn các kho vũ khí hóa học từ năm 2013, sau một thỏa thuận do Nga dàn xếp để tránh nguy cơ bị Mỹ áp dụng hành động quân sự.
Xem thêm >> Mưu đồ của Mỹ ở Syria và khả năng thành công trong việc lật đổ Assad
Đào Vũ