Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến thăm "lịch sử"...
Theo The Guardian (Anh), hiện tại, chưa biết kết quả cụ thể của cuộc gặp này, tuy nhiên, ngay sau cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Chúng ta đã có một mối quan hệ tuyệt vời và sẽ phát triển tốt đẹp hơn nữa”. Còn ông Erdogan khẳng định, cuộc gặp này đã “đặt nền móng cho mối quan hệ hai nước mở ra một lịch sử mới”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tới thăm Mỹ trong hai ngày 16,17/5, trong bối cảnh quan hệ đồng minh giữa hai nước đang có dấu hiệu rạn nứt nghiêm trọng. Kể từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, chính quyền Ankara yêu cầu Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gülen, người bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là chủ mưu cuộc đảo chính, tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu này.
Không những vậy, trước thềm chuyến thăm 1 tuần, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối kịch liệt, Tổng thống Trump đã duyệt kế hoạch trang bị vũ khí cho lực lượng người Kurd tại Syria để họ tham gia vào cuộc chiến tái chiếm Raqqa từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi Mỹ cho rằng, quyết định này sẽ đẩy nhanh tiến trình chống khủng bố IS thì Tổng thống Erdogan cáo buộc đây là một quyết định “sai lầm”.
Ngay tại cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Thổ, Tổng thống Erdogan tái khẳng định quan điểm của họ về sự tham gia của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) trong cuộc chiến chống IS là “sẽ không bao giờ được chấp nhận”. Nhưng giới phân tích cho rằng chuyến thăm này khó khiến Tổng thống Trump thay đổi quyết định bởi hợp tác với lực lượng người Kurd, Mỹ đạt được những lợi ích nhất định.
Xem thêm >>> Triều Tiên vẫn thử tên lửa vì nắm 'tử huyệt' của Mỹ và đồng minh?
Sputnik News (Nga) dẫn lời ông Abdullah Agar, chuyên gia chống khủng bố và là cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Mỹ quyết định hợp tác với người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) để đảm bảo chiến thắng tiêu diệt IS ở Raqqa bởi họ đạt được nhiều lợi ích về cả kinh tế và chính trị.
“Rõ ràng các binh sĩ thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm vũ trang người Kurd khác có chi phí thấp hơn nhiều so với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính để cung cấp chi phí một tháng cho 1 binh sĩ tham chiến, Washington chỉ việc chi 150 USD mà không cần chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với họ”, ông Agar cho biết.
Bắt tay và gọng kìm
Theo chuyên gia chống khủng bố Agar, quyết định cung cấp vũ khí cho SDF để giải phóng Raqqa còn mang một ý nghĩa chính trị chiến lược với Washington.
“Trước đây, lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq được cung cấp vũ khí từ chính phủ Iraq. Nhưng khi Washington trở thành nguồn cung cấp vũ khí cho lực lượng này, họ bắt đầu bàn đến việc tách những khu vực có dân số chủ yếu là người Kurd thành một quốc gia độc lập. Và kịch bản này đang xảy ra tương tự tại Syria. Mỹ đã có quyết định chiến lược khi cung cấp vũ khí cho người Kurd bởi họ muốn Syria bị chia rẽ”, chuyên gia phân tích.
Và dĩ nhiên, trước toan tính trên của Mỹ, Ankara sẽ không chấp nhận. “Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối kế hoạch này và đây là lý do vì sao họ không tạo điều kiện thuận lợi, cũng như hợp tác với các hoạt động của Mỹ tại Syria. Ngược lại, Mỹ hiểu rằng nếu Ankara tham gia vào cuộc chiến giải phóng Raqqa, nước này sẽ cải thiện vị thế của mình trong khu vực, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch, tham vọng của Mỹ tại Trung Đông”, cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Agar bình luận.
Phương Anh
Xem thêm >>> Tên lửa rơi sát Nga, Putin cảnh báo đừng uy hiếp Triều Tiên