Theo New York Times, một năm trước, không ai nhìn ra khả năng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ trở thành gương mặt quen thuộc của ngoại giao phương Tây ở Trung Đông. Nhưng điều đó nay đã là hiện thực.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, hay việc ông Trump cắt giảm nhân sự trong bộ Ngoại giao Mỹ đang gửi tín hiệu đến nhiều người về một sự rút lui của ngoại giao Mỹ.
Và dường như khoảng trống trong vũ đài chính trị thế giới này đã được ông Macron thay thế. Vị lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp nhanh chóng khẳng định một vị trí nổi bật hơn ở Trung Đông, nhất là khi Anh và Đức đang quá bận rộn với chính trị trong nước.
Vài ngày trước đây, ông Macron liên lạc với ông Trump khi mà Tổng thống Mỹ chưa đưa ra tuyên bố về Jerusalem để nói rằng, Pháp cảm thấy bước đi này “gây rắc rối”.
Hồi tháng 11, ông Macron chủ động tham gia ổn định tình hình Lebanon khi Thủ tướng nước này từ chức. Sự kiện mà có người cho rằng có thể do Saudi Arabia đứng sau.
Tổng thống Pháp còn đóng góp vào kế hoạch chặn dòng người di cư từ tiểu vùng Sahara trước khi họ có thể đến Libya. Và hiện tại, có thể thấy rõ rằng ông Macron đang giúp nước Pháp khẳng định vị trí của mình trong nỗ lực giúp định hình chính sách hậu chiến ở Syria.
Trong khi đó, Mỹ dường như rất miễn cưỡng tham gia vào quá trình xây dựng chính sách tại Syria và điều này tạo cơ hội cho Nga đóng vai trò lớn.
“Nếu là 5 năm trước thì đã có sự can dự ngoại giao của Mỹ” để giải thoát cho Thủ tướng Lebanon, Saad Hariri, ông Gilles Kepel, một chuyên gia về Hồi giáo và là Giáo sư ngành khoa học chính trị tại Pháp, nhận định.
Nhiều nhà ngoại giao cũng có quan điểm tương tự. “Rõ ràng trước đây Mỹ đóng vai trò chính ở Lebanon, nhưng có vẻ Saudi cũng làm điều này với ông Hariri, mà không có lời nào với chúng tôi”, ông Ryan Crocker, nhà ngoại giao Mỹ nghỉ hưu với nhiều năm kinh nghiệm về Trung Đông nhận định.
“Vì đây là vấn đề của Saudi nhiều hơn là vấn đề của Lebanon, nên theo lẽ thông thường, Mỹ đáng ra phải tham gia nhiều hơn”, ông Crocker phân tích.
Điều thể hiện sự rút lui của Mỹ ra khỏi cả những nước mà ông Trump coi là bạn bè là đến giờ vẫn chưa có Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia. Điều này cũng diễn ra tại 6 quốc gia khác ở khu vực.
Việc thiếu Đại sứ ở những quốc gia đó sẽ khiến Mỹ khó chuyển tải thông điệp của mình, đặc biệt ở một khu vực coi trọng nghi thức như Trung Đông.
Ngược lại, Pháp rất tích cực trong việc giải quyết các vấn đề chính trị Trung Đông. Pháp có “nguồn lực để sử dụng” vào khu vực, ông Emile Hokayem, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh Trung Đông tại viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London nhận định.
Gần đây, Pháp giành được ủng hộ của những người Saudi Arabia dòng Sunni vì không hậu thuẫn Mỹ trong cuộc xâm lược Iraq cũng như sẵn sàng chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuần qua, trong chuyến thăm Qatar, ông Macron thông báo thương vụ bán máy bay chiến đấu trị giá 1,3 tỉ USD và thăm Algeria.
Dẫu vậy, nhiều nhà ngoại giao nghi ngờ việc Pháp có thể thay thế Mỹ bởi nước này khó có khả năng bảo đảm các thoả thuận theo cách của Mỹ.
Xem thêm >> Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel: Mối họa nhãn tiền từ “ván bài lật ngửa”