Thái độ bất ngờ của ông Trump
Hôm thứ Hai vừa qua, chỉ khoảng 1 tuần sau khi đưa ra lời đe dọa đối với Tehran về việc chấm dứt sử dụng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Trump đã đề nghị gặp Tổng thống Hassan Rouhani để bày tỏ thái độ hợp tác và làm bền chặt mối quan hệ song phương.
Trước đó, ông Trump thậm chí còn kêu gọi các nước ngừng giao thương cũng như hợp tác đầu tư kinh tế đối với Iran.
Đáp trả lại động thái này từ phía Mỹ, ông Bahram Qasemi, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Iran cho biết, lời đề nghị này của Tổng thống Trump hoàn toàn mâu thuẫn với những hành động mà ông gây ra nhằm trừng phạt Tehran.
Ông Qasemi cũng nhận định thêm: “Ai mà biết được hành động này của Tổng thống Trump bắt nguồn từ mưu cầu hợp tác chính đáng hay lại là một chiêu bài dân túy khôn ngoan khác”.
Trả lời trên trang Thông tấn IRNA, ông Ali Motahari, khẳng định: “Nếu như trước đó Mỹ không tỏ thái độ thù địch và rút khỏi các thỏa thuận về hạt nhân cũng như ngừng đầu tư vào Iran thì những thỏa thuận đàm phán hiện thời được đưa ra cũng chẳng bị ngờ vực đến vậy”.
Theo đó, Tehran vẫn kiên quyết sẽ giữ vững lập trường, cẩn trọng với lời đề nghị này chứ không hào hứng mà chấp nhận nó.
Đòi hỏi của Pompeo
Mặc dù vẫn tỏ vẻ hài lòng về yêu cầu gặp mặt với Tổng thống Iran, tuy nhiên, ông Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ lại đưa ra những đòi hỏi để Hội nghị diễn ra một cách suôn sẻ.
Chia sẻ với phóng viên của CNBC, ông Pompeo cho hay: “Tổng thống của chúng tôi sẵn sàng đàm phán nếu như Iran chấp nhận một số đề nghị như sau. Thứ nhất là thay đổi cách thức quản lý vận hành trong nước. Thứ hai là ngừng đưa ra những phát ngôn khích bác, công kích trong vấn đề ngoại giao. Thứ ba là chấp nhận thỏa thuận về hạt nhân với điều kiện là không được mở rộng việc sử dụng chúng”.
Trên tờ Al Jazeera, ông Foad Izadi, Giáo sư thuộc trường đại học Tehran đã chỉ ra rằng, người dân Iran sẽ không bao giờ chấp nhận những đề nghị vô lý như trên.
Ông cũng giải thích: “Đồng ý với thỏa thuận này chẳng khác nào tự sát. Yêu cầu thứ nhất mà Pompeo đưa ra chẳng khác nào đòi hỏi Mỹ được quyền can thiệp vào chính sách đối nội của Iran. Yêu cầu thứ hai nghĩa là can thiệp vào chính sách đối ngoại. Còn yêu cầu cuối cùng, chẳng khác nào ngăn cấm Iran sử dụng tên lửa hoặc thực hiện các chương trình hạt nhân mang tính hòa bình”.
Diệc Nhu