Theo Reuters, Nhà Trắng hôm 23/7 cho biết Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng ký lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Nga sau khi nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện đi đến thỏa thuận về dự luật trừng phạt Moscow vào cuối tuần trước.
Nghị sĩ đảng Dân chủ chia sẻ vào hôm 22/7 rằng đã có sự thống nhất với đảng Cộng hòa về sự trừng phạt mới với Nga, Iran và Triều Tiên.
“Chúng tôi ủng hộ dự luật hiện nay và sẽ tiếp tục phối hợp với Thượng và Hạ viện để thực thi lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Nga cho đến khi tình hình ở Ukraine được giải quyết ổn thỏa”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết với hãng tin ABC News.
Tổng thống Trump sẽ phải báo cáo Quốc hội các đề xuất thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga. Những thay đổi này rất rộng, có thể gồm cả việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt hoặc trả lại hai cơ sở ngoại giao của Nga ở Mỹ bị chính phủ Tổng thống Barack Obama tịch thu hồi năm ngoái.
Quốc hội Mỹ sẽ có ít nhất 30 ngày để thảo luận, điều trần và tổ chức bỏ phiếu ủng hộ hay bác bỏ các đề xuất thay đổi của Tổng thống.
Dự luật trừng phạt Nga gồm nhiều khoản như cấm cho các cá nhân, tổ chức Nga vay tiền; cấm doanh nhân Nga tham gia các dự án năng lượng và quốc phòng của các công ty Mỹ.
Nếu được thông qua, đây sẽ là đạo luật đầu tiên mà Quốc hội Mỹ áp đặt ý chí lên Tổng thống Trump về một vấn đề chính sách lớn. Đạo luật yêu cầu Tổng thống phải xin phép Quốc hội trước rồi mới có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga.
Nếu ông Trump phản đối dự luật thì hẳn ông sẽ không tránh khỏi những chỉ trích về việc ông về phe với Tổng thống Putin. Đặc biệt, khi mà các ủy ban tình báo Thượng - Hạ viện Mỹ và Cục điều tra liên bang (FBI) đang điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016 và nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga.
Trong khi đó ở Brussels, Liên minh Châu Âu EU lên tiếng báo động về những động thái của Mỹ gia tăng trừng phạt Nga, yêu cầu Washington phối hợp với các đối tác trong G7.
Ủy ban Châu Âu cảnh báo "hậu quả bừa bãi, rộng khắp và không mong muốn" từ dự luật này, đồng thời lưu ý đến những nỗ lực của EU nhằm đa dạng hoá các nguồn năng lượng từ Nga.
McCarthy và Ed Royce, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho biết, dự luật sửa đổi sẽ "tăng cường an ninh năng lượng cho các đồng minh Châu Âu, bằng cách duy trì việc tiếp cận các nguồn năng lượng chủ chốt bên ngoài nước Nga".
Xem thêm >> Đệ nhất phu nhân Mỹ và những pha ‘cứu bàn thua’ cho Tổng thống Trump
Đào Vũ