Từ sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ...
Đầu tiên phải kể đến quyết định sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates ngay sau khi nhậm chức được 10 ngày.
Bà Sally Yates đã chỉ trích sắc lệnh hạn chế nhập cảnh nhằm vào công dân 7 nước Hồi giáo của ông Trump và yêu cầu cơ quan tư pháp không được bảo vệ sắc lệnh gây tranh cãi này. Ngay sau đó, ông chủ Nhà Trắng đã trả đũa bằng cách sa thải bà Yates và cáo buộc bà "phản bội" chính quyền.
Cho tới tháng Ba (10/3), chính quyền Donald Trump lại có quyết định bất ngờ, khi yêu cầu 46 trưởng công tố liên bang còn lại từ thời cựu Tổng thống Barack Obama từ chức. Trong số những người buộc từ chức có công tố viên bang Manhattan, Preet Bharara, người từng được Tổng thống Donald Trump đề nghị ở lại hồi tháng 11.
Các công tố viên Mỹ là những người được chỉ định, yêu cầu từ bộ Tư pháp và đây là một phần trong quá trình chuyển giao quyền lực thông thường. Tuy nhiên, động thái của chính quyền Donald Trump được đánh giá là bất ngờ, khi không phải mọi chính quyền mới đều thay thế tất cả các công tố viên cũ ngay lập tức và cùng một lúc.
Thông thường, việc thay thế diễn ra dần dần, hoặc một số người vẫn được giữ lại, chứ không phải thay thế toàn bộ cùng lúc như cách làm việc của tân Tổng thống.
...Đến cách chức chiến lược gia trưởng, người được xem như "cánh tay phải" Stephen Bannon
Và tới tháng Tư (6/4), Tổng thống Trump đã tiến hành cải tổ Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), cách chức chiến lược gia trưởng Stephen Bannon.
Theo Politico, thời điểm ông Trump ra quyết định “trảm cánh tay phải của mình”, Jared Kushner - con rể của ông Trump đồng thời cũng là cố vấn cao cấp của Nhà Trắng đã đưa ra những nhận định về vai trò của ông Bannon trong Chính phủ, nguồn tin thân cận với ông Kushner tiết lộ.
Ông Kushner cho rằng ông Bannon muốn “phá vỡ” chính quyền hiện tại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến Tổng thống Trump.
“Tuy nhiên, một lý do khác lý giải cho việc sa thải ông Bannon nằm ở mục tiêu gia tăng quyền lực cho tân cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, Tướng H.R.McMaster”, một quan chức NSC nhận định.
Và quyết định gây sốc nhất những ngày qua: Sa thải Giám đốc FBI "như một trò đùa"
Và mới đây nhất, ngày 9/5, Giám đốc FBI James Comey, người từng bị ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton cáo buộc khiến bà thất bại trong bầu cử Mỹ hồi tháng 11 đã bị sa thải.
Nhà Trắng đã gây sốc khi tuyên bố ông James Comey bị "cách chức" do liên quan tới vụ điều tra email của bà Clinton. Nhà Trắng cho hay, việc sa thải ông Comey được thực hiện dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Tổng thống Donald Trump gửi thư cho ông Comey, nói ông "không đủ khả năng lãnh đạo FBI".
Xem thêm >>> Mỹ ra điều kiện '4 không' để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Được biết, FBI hiện đang tiến hành điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch của ông Trump và tình báo Nga. Do đó, quyết định đột ngột của ông Trump đã làm dấy lên nghi ngờ liệu có phải Tổng thống Trump đang muốn gây sức ép cho FBI về cuộc điều tra Nga.
“Tôi nghĩ đến hai khả năng. Thứ nhất, có thể Tổng thống cho rằng ông Comey là một đối thủ chính trị chứ không phải một nhân vật thân thiện. Thứ hai có thể ông Trump lo ngại về một cuộc điều tra thực sự về mối quan hệ của ông ấy với Nga”, vị quan chức giấu tên cho hay.
Mới chỉ hơn 100 ngày lãnh đạo, nhưng Tổng thống Donald Trump đã khiến giới chính trị “chóng mặt”, đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mỗi quyết định sa thải của ông chủ Nhà Trắng đều có những lý do khác nhau, nhưng đằng sau đó phải chăng nội bộ Nhà Trắng đang bất ổn và chính Tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng đang bị “khủng hoảng” trong việc dùng, chọn người.
Điều đấng nói, ngay chính Giám đốc FBI, cho đến lúc bị sa thải vẫn không nghĩ đó là sự thật, bởi ông ta biết tin bị mất chức qua... truyền hình.
Xem thêm >>> Hé lộ bí mật về số phận những người Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên
Phương Anh