TT Trump: Nga ‘khôn’ hơn Mỹ trong hiệp ước New START

TT Trump: Nga ‘khôn’ hơn Mỹ trong hiệp ước New START

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 7, 11/02/2017 10:13

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với tư cách Tổng thống Mỹ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, ông Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích hiệp ước vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ là “thỏa thuận tồi”.

New START là “thỏa thuận tồi” với Mỹ

Hôm 28/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm đầu tiên và được đánh giá là thành công. Tuy nhiên, những tiết lộ mới đây của hãng tin Reuters lại cho thấy nhận định trên chưa chắc đã đúng, bởi trong cuộc điện đàm, ông Trump đã gọi hiệp ước triển khai đầu đạn hạt nhân giữa Moscow và Washington là “thỏa thuận tồi” đối với Mỹ.

Tiêu điểm - TT Trump: Nga ‘khôn’ hơn Mỹ trong hiệp ước New START

 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với người đồng cấp Putin vào ngày 28/1. 

Theo tiết lộ của hai quan chức Mỹ với Reuters, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu khả năng sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn với hiệp ước 2010 mang tên New START, ông Trump đã ngừng lại để hỏi các trợ lý đây là hiệp ước gì.

Sau khi biết rằng đây là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, ông Trump nhận định đó là một trong số những thỏa thuận tồi mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama đã thảo luận với Nga. Theo ông Trump, New START chỉ có lợi với Nga.

Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về chi tiết cuộc gọi. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho hay, ông Trump biết hiệp ước New START là gì và ông chỉ quay sang hỏi các trợ lý để xin thêm ý kiến trong cuộc gọi với ông Putin.

“Đó là một cuộc điện đàm hiệu quả. Không phải ông ấy (Donald Trump) không biết hiệp ước đó là gì. Ông ấy chỉ muốn xin thêm ý kiến”, đại diện Nhà Trắng cho biết thêm. 

Hiệp ước New START sẽ hết hạn vào năm 2018, quy định rằng mỗi nước phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai xuống còn không quá 1.550 đầu đạn – xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hiệp ước cũng giới hạn việc triển khai tên lửa ở đất liền và tàu ngầm, máy bay ném bom có khả năng tấn công vũ khí hạt nhân.

Trong một phiên tranh luận của kỳ bầu cử năm 2016, ông Trump khẳng định Nga đã “khôn ngoan”, có lợi hơn Mỹ trong hiệp ước trên. Theo ông, New START cho phép Moscow tiếp tục sản xuất đầu đạn hạt nhân, còn Washington thì không thể.

Hai thành viên đảng Dân chủ từ Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen và Edward J.Markey đã chỉ trích Tổng thống Trump về việc chê bai một thỏa thuận có ý nghĩa như vậy.

“Không thể không nhắc tới những sơ suất của một tổng thống Mỹ không biết những kiến thức cơ bản về chính sách hạt nhân và kiểm soát vũ khí. New START rõ ràng khiến cho đất nước chúng ta an toàn hơn, và điều đó đã được nhiều chuyên gia an ninh khẳng định”, ông Shaheen nói.

Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí Mỹ đặt tại Washington, nói: “Không may thay, ông Trump dường như không hiểu giá trị của hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân và sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân”.

Trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định Mỹ cần “hợp tác với Nga và đề nghị Moscow thực hiện đúng những cam kết theo hiệp ước New START cũng như đảm bảo những trách nhiệm của Washington”.

Hiện tại, điện Kremlin vẫn chưa đưa ra phản ứng gì về những bình luận nói trên.

Ông Trump có chuẩn bị trước điện đàm?

Cuộc gọi của Tổng thống Donald Trump với ông Putin khiến nhiều người lo ngại rằng ông không hề chuẩn bị trước cho các cuộc thảo luận với những nhà lãnh đạo thế giới.

Tiêu điểm - TT Trump: Nga ‘khôn’ hơn Mỹ trong hiệp ước New START (Hình 2).

 Tấm banner cỡ lớn được treo tại Danilovgrad, Montenegro (một quốc gia ở Balkan) có ghi dòng chữ: "Hãy cùng nhau khiến thế giới vĩ đại trở lại lần nữa". 

Thông thường, trước mỗi cuộc điện đàm với một nhà lãnh đạo nước ngoài, tổng thống sẽ thường nhận được văn bản tóm gọn những điểm cần lưu ý về nội dung thảo luận. Văn bản này được chuẩn bị bởi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) cùng những cơ quan liên quan, gồm Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và những cơ quan tình báo.

Ngay trước khi cuộc gọi diễn ra, tổng thống cũng sẽ được cố vấn an ninh quốc gia và phụ tá cấp cao truyền đạt lại trực tiếp.

Theo hai quan chức Mỹ giấu tên, trước cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, ông Trump không nhận được những văn bản kể trên từ các chuyên gia Nga cũng như NSC và những cơ quan tình báo.

Trước khi điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump cũng từng thảo luận qua điện thoại với nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác, trong đó ông thường chỉ trích về những thỏa thuận của chính quyền tiền nhiệm về các lĩnh vực thương mại, người nhập cư và kiểm soát vũ khí.

Theo Reuters, New START có thể sẽ được kéo dài thêm 5 năm nữa, tới năm 2021 nếu hai bên đồng ý. Nếu điều đó không xảy ra, hai cường quốc về hạt nhân sẽ không còn bị giới hạn bởi hiệp ước, thế giới có thể sẽ bước vào một giai đoạn chạy đua vũ trang mới. 

Danh Tuyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.