Theo BBC, một chuyên gia nghiên cứu về chính trị mới đây đưa ra một quan điểm thú vị khi nói rằng một phần nào đó làm nên chiến thắng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua là do tên của ông được in đầu tiên trên lá phiếu.
Giáo sư Jon Krosnick đã dành 30 năm để nghiên cứu “cách thức lựa chọn ứng viên của các cử tri”. Ông thấy rằng có "ít nhất hai" tổng thống Mỹ từng thắng cử vì tên của họ được liệt kê đầu tiên trên lá phiếu, tại các tiểu bang vốn có sự ganh đua khốc liệt.
Quan điểm của Krosnick cho thấy dường như cử tri rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên Giáo sư James Tilley từ Đại học Oxford cho biết đa phần họ vẫn có quyết định riêng của mình khi cầm trên tay lá phiếu.
"Hầu hết những người ủng hộ đảng Cộng hòa vẫn bầu cho đảng Cộng hòa, và ngược lại, những người theo đảng Dân chủ vẫn lựa chọn ứng viên tổng thống thuộc đảng này”, Giáo sư Tilley nói.
Chỉ có một số nhỏ thực sự bị chi phối theo quan điểm của giáo sư Krosnick.
Theo đó ông kết luận những lá phiếu lựa chọn người được in tên đầu tiên đã tạo ra sự chênh lệch khoảng 3% so với người được in tên thứ hai. Tỷ lệ này có sự tương đồng ở nhiều bang và trong nhiều cuộc bầu cử.
Dù là một chi tiết rất nhỏ nhưng theo các nhà nghiên cứu chính trị, nó hoàn toàn có thể tạo nên những thay đổi bước ngoặt trong cuộc bầu cử.
“Bạn có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi thứ tự đặt tên trên lá phiếu", Giáo sư Krosnick nói với BBC, "nó xảy ra khi bạn cảm thấy không hiểu rõ về ứng viên hay bản thân không có hứng thú bỏ phiếu. Hoặc cảm thấy phân vân giữa việc lựa chọn giữa một trong hai - Hillary Clinton và Donald Trump".
“Hiệu ứng thứ tự” đôi khi sẽ lật ngược toàn bộ kết cục của cuộc chạy đua tổng thống, đặc biệt ở một số bang có sự bám đuổi sát nút giữa hai ứng viên như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.
"Trong các tiểu bang mà Trump đã thắng rất sít sao, tên của ông cũng được liệt kê đầu tiên trên lá phiếu ở hầu hết các bang này", Krosnick nói.
Các bang điền tên ứng viên trên lá phiếu như thế nào?
Trên thực tế việc đặt thứ tự tên của các ứng viên không đi theo chuẩn mực hay quy định nào cụ thể.
Một số lá phiếu ghi tên ứng viên lần lượt theo từng đảng ngẫu nhiên hay được sắp xếp theo lựa chọn của từng bang. Một số khác đưa tên ứng viên đảng thua cuộc trong cuộc bầu cử lần trước lên trên đầu. Hay đơn giản hơn là sắp theo thứ tự ABC.
Năm 2002, một tòa án đã lật ngược kết quả cuộc bầu cử thị trưởng tại thành phố Compton, California, sau khi được trình bày về những tác động có thể xảy ra về hiệu ứng thứ tự.
Thẩm phán kết luận trong trường hợp này, việc đề tên một ứng viên lên đầu danh sách là có chủ ý và gây ra sự không công bằng cho các ứng viên khác.
"Ứng viên cuối bảng danh sách sẽ luôn xuất phát một cách khó khăn và không thể bằng ứng viên đầu tiên trên lá phiếu", Giáo sư Krosnick giải thích trong trường hợp phiên tòa ở Compton.
Một ví dụ khác chính là chiến thắng bất ngờ của bà Hillary Clinton trước ông Barack Obama hồi năm 2008 ở New Hampshire – một phần trong cuộc ganh đua khốc liệt để quyết định ai sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm đó.
Giáo sư Michael Traugott từ Đại học Michigan cho rằng việc tên bà Clinton nổi bật trên danh sách ứng viên đã giúp cựu Ngoại trưởng Mỹ có thêm phiếu. Tên của bà đứng đầu tiên trong một danh sách dài, trong khi ông Obama đứng gần cuối.
Đặc biệt hơn, dường như “hiệu ứng thứ tự” còn ảnh hưởng đến cả các cuộc thăm dò ý kiến đơn thuần.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận trong năm bầu cử tổng thống 2004 đã khiến nhiều người đinh ninh rằng ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry sẽ giành chiến thắng, thế nhưng ông đã thua trước tổng thống George W Bush ngay sau đó. Và người ta nhìn thấy tên của ông Kerry được điền trước tên ông Bush trong lá phiếu thăm dò được phát.
Câu hỏi đặt ra là Mỹ có thực sự không biết đến một lỗ hổng lớn đến như vậy trong hệ thống bầu cử?
Theo BBC, trên thực tế một số bang có nhiều giải pháp cho những vấn đề tương tự mà một trong số đó là in phiếu ngẫu nhiên.
Các tiểu bang như California hay Ohio đều thông qua cách thức này. Sẽ có một số lượng lớn lá phiếu được in tên luân phiên các ứng viên tổng thống trên đầu danh sách. Điều này sẽ giảm bớt hiệu ứng lựa chọn vô thức một ứng viên chỉ vì tên của họ được nhìn thấy đầu tiên.
Nghiên cứu của học giả Robert Darcy từ Đại học Oklahoma cho thấy, hầu hết các quan chức điều hành công tác bầu cử có xu hướng liệt kê ứng cử viên trong đảng của mình lên đầu lá phiếu.
Ví dụ nổi tiếng nhất là thống đốc bang Florida Jeb Bush đã đặt tên người em trai cùng đảng Cộng hòa - George W Bush - lên trên đầu danh sách ứng cử viên tại bang của mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000.
Ông George W Bush đã thắng ở bang Florida bằng một tỷ lệ rất sít sao. Mặc dù "tiểu xảo" đặt tên của ông Jeb Bush là hợp pháp nhưng ông vẫn phải đối mặt với những cáo buộc về "sai sót" trong công tác bầu cử. Trường hợp này đã được đưa lên Tòa án Tối cao của Mỹ nhưng cuối cùng vẫn được phán xét hợp lệ.
"Vì trên thực tế, thứ tự điền tên ứng cử viên tổng thống ở mỗi bang là rất khác nhau và hết sức đặc trưng. Gần như chẳng có bang nào xoay tên ngẫu nhiên giống như cách mà Ohio và California thực hiện. Do đó đã có ít nhất hai kết quả bầu cử gần đây được hưởng lợi từ điều này”, Giáo sư Krosnick nêu quan điểm.
Ông cho rằng nếu tất cả các bang trên toàn nước Mỹ đều xoay tên ngãu nhiên trên lá phiếu, có khả năng ông George W Bush sẽ không được bầu làm tổng thống vào năm 2000, cũng như Tổng thống Donald Trump có thể sẽ không phải là người được xướng tên trong ngày 8/11 vừa qua.
Đọc thêm>>> Tự sự của một người Hồi giáo trong Nhà Trắng của Tổng thống Trump
Quốc Vinh