TT Trump tới Việt Nam: Tầm quan trọng và vị thế của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương

TT Trump tới Việt Nam: Tầm quan trọng và vị thế của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 2, 06/11/2017 06:00

Theo nhận định của chuyên gia, việc nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump tới thăm chính thức Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống cho thấy vị thế ngày càng tăng cao của Việt Nam.

Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu chuyến công du châu Á dài nhất trong 25 năm qua của một Tổng thống Mỹ. Chuyến đi được giới quan sát đánh giá mang nhiều ý nghĩa và mục đích quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp và lợi ích của Washington rải rác ở toàn bộ khu vực.

Để độc giả có cái nhìn khái quát hơn về chuyến công du lần này của nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump, PV báo Người Đưa Tin  đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, học viện Ngoại giao Việt Nam về vấn đề này.

Tiêu điểm - TT Trump tới Việt Nam: Tầm quan trọng và vị thế của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương

TS. Trần Việt Thái, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, học viện Ngoại giao Việt Nam

PV: Ông nhận định thế nào về ý nghĩa và chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump với khu vực?

TS. Trần Việt Thái: Chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump được chia thành 5 chặng nhỏ, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến đi rất dài, nó giải quyết nhiều vấn đề, tùy vào từng đối tượng và thời điểm. Ở mỗi một chặng, chuyến đi lại mang một mục đích khác.

Chặng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Washington tập trung vào củng cố quan hệ đồng minh và góp phần xử lý vấn đề khủng hoảng với Triều Tiên.

Trong khi đó, chặng ở Trung Quốc, ngoài tập trung vào vấn đề Bình Nhưỡng còn đi sâu vào xử lý quan hệ song phương, một trong những quan hệ quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực.

Tại Việt Nam, ông Trump sẽ tham dự Hội nghị APEC và thăm chính thức Việt Nam. Tại đây, dự kiến nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phát biểu thông điệp chính thức của Washington đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, cũng có thể ông Donald Trump sẽ đề cập tới vấn đề Biển Đông cùng những vấn đề khác trong quan hệ song phương với Việt Nam, một trong những đối tác có quan hệ phát triển ngày càng tốt đẹp với Mỹ.

Với Philippines, ông Trump sẽ có công bố chính sách song phương với Manila, với ASEAN cũng như các cơ chế đa phương ở khu vực.

PV: Tổng thống Mỹ sẽ tới Việt Nam ngày 10-11/11 dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng. Theo ông,  điều này thể hiện ý nghĩa như thế nào đối với toàn cầu hóa và tự do thương mại?

TS. Trần Việt Thái: Việc ông Trump dự APEC khẳng định rằng nó vẫn là một diễn đàn đa phương quan trọng tại khu vực. Nó còn cho thấy, Tổng thống Mỹ không phản đối thương mại tự do. Nhưng ông Trump và nước Mỹ hiện nay muốn thương mại công bằng hơn theo cách hiểu của người Mỹ. Vì họ cho rằng nước Mỹ phải cho đi quá nhiều, trong khi các đối tác nhận về cũng quá nhiều, nên cần phải cân bằng lại theo cách công bằng hơn.

Việc ông Trump dự APEC cũng cho thấy ông Trump không chống toàn cầu hóa mà ông chỉ muốn giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình đó đối với nước Mỹ.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Mỹ cũng có thể đưa ra những cam kết, thỏa thuận đối với khu vực về việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác tại khu vực, vì thịnh vượng chung. Nước Mỹ có lợi ích trong khu vực này.

 

Tiêu điểm - TT Trump tới Việt Nam: Tầm quan trọng và vị thế của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương (Hình 2).

Tổng thống Mỹ Donald Trump

 

PV: Tổng thống Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam ở Hà Nội. Điều này phải chăng thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách chiến lược của Nhà Trắng, thưa ông? 

TS. Trần Việt Thái: Chuyến thăm chính thức song phương tới Hà Nội của ông Trump tiếp tục góp phần thúc đẩy, củng cố sự phát triển của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ được thiết lập từ năm 2013.

Việc ông Trump đến Việt Nam vào năm đầu tiên của nhiệm kỳ cho thấy vị thế của Việt Nam trong con mắt của người Mỹ đang gia tăng, cũng như tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Rõ ràng, hai bên chia sẻ lợi ích chung rất lớn: Lợi ích về hợp tác, phát triển, lợi ích về duy trì ổn định, về hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

PV: Quan sát 10 tháng ông Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ, ông có nhận xét gì về chính sách của Washington đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

TS. Trần Việt Thái: Theo tôi, đến nay nước Mỹ vẫn chưa định hình được chính sách rõ rệt. Dự kiến ông Trump sẽ chính thức công bố chính sách chính thức của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương dưới thời Donald Trump tại Đà Nẵng, trong cuộc họp Hội nghị Thượng đỉnh APEC CEO Summit với lãnh đạo doanh nghiệp. Chính sách này có thể sẽ kéo dài tới hết nhiệm kỳ của ông Trump.

Tôi nghĩ,  ông Trump sẽ không dùng tên “tái cân bằng” để nói về chính sách của Washington tại châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những nội hàm của chính sách đó vẫn còn tồn tại, gồm 5 điểm cơ bản sau.

Thứ nhất, ông Trump sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với đồng minh trong khu vực, nhưng có lẽ Tổng thống Mỹ sẽ thực dụng hơn khi muốn đồng minh tự đảm nhiệm nhiều vai trò và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn, chia sẻ nhiều nghĩa vụ hơn.

Thứ hai, Washington sẽ gia tăng rất mạnh sức ép đối với vấn đề Triều Tiên. Thứ ba, họ vừa hợp tác, vừa tăng cường sức ép với Trung Quốc. Thứ tư, thúc đẩy quan hệ cùng có lợi đối với các đối tác, bạn bè như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia... Thứ năm, Mỹ ít chú ý hơn tới các vấn đề như dân chủ, nhân quyền. Đó là những nét chúng tôi quan sát được trên thực tiễn sau gần 1 năm ông Trump cầm quyền.

Vì sao có sự tiếp nối đó? Bởi nó có sự tương đồng, song trùng về lợi ích. Dù nước Mỹ do ai cầm quyền và người đó thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, thì lợi ích của họ vẫn không đổi. Chỉ có cách họ can dự và chính sách cụ thể của mỗi cá nhân sẽ khác nhau để phục vụ lợi ích quốc gia của họ.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.