TTK Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Làm sao các doanh nghiệp có thể lobby được gần 500 ĐBQH”

TTK Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Làm sao các doanh nghiệp có thể lobby được gần 500 ĐBQH”

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 10/06/2019 18:43

Có hay không lợi ích nhóm tác động đến ĐBQH trong quá trình xây dựng dự thảo luật Phòng, chống tác hại rượu, bia?...

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 14/6. Tuy nhiên, dự thảo luật này cũng đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều từ dư luận.

Có thể tước giấy phép lái xe vĩnh viễn

Chiều 10/7, tại Trung tâm báo chí kỳ họp, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã có trao đổi nhanh với báo chí, cung cấp thêm thông tin về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.

Theo đó, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh việc xin ý kiến các đại biểu về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cơ sở để tiến hành hoàn chỉnh dự án Luật để trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp. 

Cụ thể, chiều 3/6, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Về quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông được lấy ý kiến đại biểu theo 2 phương án:  

Phương án 1: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.

Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.

Chính sách - TTK Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Làm sao các doanh nghiệp có thể lobby được gần 500 ĐBQH”

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Kết quả, số đại biểu tham gia xin ý kiến phương án 1 là 441 (bằng 91,12%); trong đó, có 214 đại biểu đồng ý (bằng 44,21%), 212 đại biểu không đồng ý (bằng 43,8%), 15 đại biểu không tham gia ý kiến (bằng 3,10%).

Số đại biểu tham gia xin ý kiến phương án 2 là 417 (bằng 88,16%); trong đó có 240 đại biểu đồng ý (bằng 49,59%), 169 đại biểu không đồng ý (bằng 34,92%), 8 đại biểu không tham gia ý kiến (bằng 1,65%). 

“Do cả hai phương án đều không được các đại biểu biểu quyết quy định vào dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia nên các quy định về nội dung này vẫn giữ nguyên quy định như trong Luật Giao thông đường bộ”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề cập, vừa qua, cử tri và nhân dân đã yêu cầu phải có những chế tài xử phạt thật nặng đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia.

Hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đã quy định cụ thể về các mức xử phạt tiền, thời gian tước giấy phép lái xe đối với người điều khiển các phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

Tại phiên họp thứ 34 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt. Tổng thư ký Quốc hội khẳng định, tới đây, Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp này  sẽ đưa vào nội dung liên quan, giao Chính phủ nghiên cứu tăng hình thức xử phạt. 

Tổng thư ký nêu: “Với người vi phạm có thể bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn chứ không thể dừng lại ở các mức thời gian nhất định. Quốc hội sẽ giao Chính phủ nghiên cứu có chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết hiện Ủy ban cùng với cơ quan soạn thảo, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tiếp thu các ý kiến để tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia  gây ra tai nạn giao thông.

Đặc biệt, theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ bổ sung lại Điều 3 về có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia. 

Lý giải về quy định đã được đưa vào rồi lại rút ra, hiện lại bổ sung vào dự án Luật này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, lúc đầu, dự thảo Luật quy định Chính phủ có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia. Nhưng sau đó Uỷ ban Tài chính Ngân sách có văn bản gửi Uỷ ban Các vấn đề xã hội cho rằng Luật Thuế đã quy định vấn đề này nên đề nghị rút ra khỏi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

“Tuy nhiên, việc Thủ tướng Chính phủ đề nghị đưa lại nội dung này vào để thể hiện quyết tâm của nhà nước trong điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc này không có gì trái pháp luật và bảo đảm nhấn mạnh thêm quy định này thôi”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu.

Làm sao doanh nghiệp lobby được 500 ĐBQH? 

Trước câu hỏi của báo giới xoay quanh việc dư luận cho rằng có ĐBQH được doanh nghiệp rượu bia mời đi du lịch và tham quan các doanh nghiệp rượu bia ở nước ngoài, châu Âu, sau đó về có những phát biểu đứng trên lập trường là ủng hộ sự phát triển của các doanh nghiệp rượu, bia.

Vậy làm sao để có những quy định về phòng ngừa các nhóm lợi ích dùng các cách để tác động đến ĐBQH trong quá trình xây dựng luật mang hình dáng lợi ích nhóm trong đó?

Trả lời câu hỏi này, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Tôi cũng được người ta đặt trong nhóm vận động cho lợi ích của doanh nghiệp, nhưng rất tiếc dự thảo luật này giao cho đồng chí Đặng Thuần Phong chủ trì trực tiếp, không phải tôi.

Tôi phải nói rằng rất nhiều các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức nước ngoài mời tôi chủ trì hội thảo, tôi chưa dự một cuộc nào hết.  

Về mặt nguyên tắc, anh không được các cơ quan lợi ích nhóm mời anh đi với tư cách nghiên cứu để mang tính chất là lobby. Còn việc nghiên cứu thì bộ Y tế mời một số đại biểu, chúng tôi có cử uỷ viên thường trực đi, nhưng là đi với tư cách bộ Y tế mời đi để nghiên cứu chính sách và kinh nghiệm của các nước. 

Còn nếu anh là ĐBQH mà đi theo các doanh nghiệp và các tổ chức mời mà không phải đi nghiên cứu chính sách thì điều này “không đúng với tinh thần và Quốc hội không cho phép như vậy”.

Chính sách - TTK Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Làm sao các doanh nghiệp có thể lobby được gần 500 ĐBQH” (Hình 2).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trả lời báo chí về luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

Cùng trả lời câu hỏi trên, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Làm sao các doanh nghiệp có thể lobby được gần 500 ĐBQH, chắc là một vài người đi khảo sát thôi, chứ làm sao anh có thể nào lobby kiểu gì được tất cả các ĐBQH. Quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, có muốn cũng không được. Chúng ta phải suy nghĩ quyền lợi của 3 bên phải luôn luôn tôn trọng, bảo đảm đó là: Quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”.

Trao đổi thêm về việc tại sao dư luận lại đặt vấn đề có nhóm lợi ích tác động vào luật, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ: “Về nhóm lợi ích, chúng tôi chưa có khi nào làm luật này mà lại nhiều ý kiến như vậy. Quyền của các cơ quan lobby thì đó là quyền của họ. Nhưng vấn đề quan trọng là mình bảo đảm lợi ích của tất cả các bên, không phải vì các anh sản xuất bia yêu cầu như thế nào thì người dân mà phải theo toàn bộ. Ở đây, chúng tôi tính phương án cân bằng tất cả các bên.

Quan trọng là chúng ta làm sao giữ được kỷ cương, làm sao pháp luật của chúng ta đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và tình hình tai nạn giao thông trong những tháng vừa qua do nạn rượu bia là điều đau buồn nhất”.

Nhóm PV Quốc hội

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.