Như Người Đưa Tin đã đưa, từ ngày mai (10/3) sẽ thực hiện khai báo y tế toàn dân. Hiện cổng hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế đã chính thức được mở.
Có 3 kênh người dân có thể khai báo gồm:
Thứ nhất: Truy cập cổng khai báo điện tử: suckhoetoandan.vn hoặc tokhaiyte.vn để điền các thông tin.
Thứ hai: Qua app NCOVI, sẽ được ra mắt chính thức vào 16h chiều nay.
Thứ ba: Người nhập cảnh vào Việt Nam có thể quét mã QR qua điện thoại thông minh tại các sân bay để nhận đầy đủ các thông tin cần khai báo.
Sau khi điền đầy đủ thông tin, người dân cần nhập mã xác thực – mã bảo mật. Cuối cùng, nhấn gửi tờ khai.
Trên bảng thông tin khai báo, ngoài ngôn ngữ tiếng Việt đã có thêm tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran, Nhật Bản, Nga và Campuchia. Các ngôn ngữ khác sẽ tiếp tục được bổ sung.
Các thông tin khai báo bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, quốc tịch, số hộ chiếu, phương tiện đi lại, tình trạng sức khoẻ trong 14 ngày (ho, khó thở, sốt, đau họng, buồn nôn, tiêu chảy…), lịch sử phơi nhiễm trong vòng 14 ngày như có từng đi qua các trang trại chăn nuôi, buôn bán động vật, có tiếp xúc gần dưới 2m với người mắc Covid-19…
Riêng những hành khách xuất, nhập cảnh vào Việt Nam, sau khi khai báo thông tin đầy đủ, sẽ qua gặp nhân viên kiểm dịch y tế để lấy bản xác nhận trước khi qua quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Sau khi khai báo, tất cả thông tin sẽ được lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch.
Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe của từng cá nhân để kịp thời liên lạc, hỗ trợ, theo dõi sức khoẻ trong các tình huống cần thiết.
Video: Sẽ xử lý nghiêm các trường hợp giấu bệnh Covid-19
Trao đổi với báo Người lao động về tình huống người dân khai báo không trung thực, PGS Phu cho rằng bằng nghiệp vụ, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các yếu tố nguy cơ.
Hơn nữa, mỗi cá nhân khai báo y tế cho bản thân hoặc khai báo hộ cho thành viên trong gia đình (với trẻ nhỏ, người không đủ điều kiện sức khỏe trực tiếp khai báo) sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo. Nếu báo không trung thực ảnh hưởng đến phòng chống dịch sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tại cuộc họp của ban chỉ đạo ngày 8/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19) - đã nhấn mạnh mọi người dân trên toàn quốc sẽ khai báo y tế từ ngày 10/3 để góp phần phòng, chống dịch bệnh.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Đây là giai đoạn khó khăn hơn khi dịch đã lan ra hơn 100 nước, nên phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả và virút đã xâm nhập vào nước ta, "đang âm thầm mai phục".
Do đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm. Vì vậy, những ngày tới đây nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)