Từ 1/10, giảm tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA đối với địa phương

Từ 1/10, giảm tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA đối với địa phương

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 5, 19/08/2021 14:51

Theo Nghị định của Chính phủ, từ 1/10, tỷ lệ cho vay lại vốn ODA đối với địa phương sẽ được điều chỉnh.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 79/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng là điều chỉnh tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh.

Cụ thể, đối với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại giảm từ 30% theo quy định cũ xuống 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Đối với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi (thay vì 40% như quy định cũ).

Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương (trừ Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh), tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi. Riêng Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh: Tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Đối với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 01/4/2021 sẽ do Chính phủ quyết định tỷ lệ cho vay lại nhưng không thấp hơn 10%.

Đánh giá về những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung này tại Nghị định 79/2021/NĐ-CP, ông Hoàng Hải – Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết: “Phần lớn các địa phương khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ là những địa phương còn nhiều khó khăn so với những địa phương khác. Với các quy định được bổ sung, sửa đổi tại Nghị định 79/2021/NĐ-CP như ở trên sẽ giúp các địa phương này có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi do được áp dụng tỉ lệ cho vay lại thấp hơn, tức là mức phải trả cho ngân sách Trung ương thấp hơn so với trước”.

Bên cạnh đó, Nghị định 79/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 16. Theo đó, trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại doanh nghiệp; bằng 100% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong quá trình thực hiện khoản vay lại, trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức quy định nêu trên, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm đảm bảo mức tối thiểu.

Theo PGS. TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, nhiều khi tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập lại không được dùng làm tài sản thế chấp bởi vì đó vẫn là tài sản của nhà nước. Do vậy nguồn tài sản để các đơn vị sự nghiệp công lập được hợp pháp trở thành tài sản bảo đảm là rất khó khăn. Việc Nghị định 79/2021/NĐ-CP quy định trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 100% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập vừa đảm bảo được việc bảo toàn vốn, vừa tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập có thể hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay.

Ngoài các nội dung đáng chú ý nói trên, Nghị định 79/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 16, cụ thể: Không yêu cầu bảo đảm tiền vay trong trường hợp: Cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại; Các khoản vay do Ban quản lý dự án thuộc các Bộ nhận nợ, sau đó chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nghị định 79/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/10/2021.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.